Phỏng vấn về Tổng Thống Thiệu

Phỏng vấn về Tổng Thống Thiệu
BBC

Phần 1 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/meta/dps/2011/09/bb/110925_hoangducnha_part1_au_bb.asx

 

Ông Hoàng Đức Nhã, cựu bí thư của cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu nói về di sản để lại, năng lực dùng người, tầm nhìn và tư duy lãnh đạo của ông Thiệu.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu (trái) trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ Johnson

Trả lời BBC Việt ngữ nhân 10 năm ngày mất của ông Thiệu (29/9/2001), ông Hoàng Đức Nhã, hiện sống tại Hoa Kỳ cũng bình luận về một loạt vấn đề liên quan tới ông Thiệu vào giai đoạn Hòa đàm Paris 1973.

Ông Nhã cho hay ông Thiệu đã dự liệu ra sao về việc người Mỹ sẽ rời bỏ miền Nam Việt Nam, trong khi tiếp tục các nỗ lực thương lượng với chính quyền Hoa Kỳ phục vụ quyền lợi của chính quyền ở miền Nam Việt Nam.

Ông Thiệu được mô tả như một người đã biết đương đầu và đối phó với các áp lực của người Mỹ ở một trong những giai đoạn lãnh đạo khó khăn nhất của ông.

Cựu bí thư của ông Thiệu cũng hồi tưởng về phản ứng của Tổng thống VNCH và bản thân ông, cũng như Chính quyền trước biến cố hải quân Trung Quốc chiếm Hoàng Sa (tháng 1/1974).

Ông Nhã mô tả ông Thiệu và nội các cùng toàn thể bộ máy chính trị, quân sự, ngoại giao đã tiến hành phản đối quyết liệt ra sao trước hành động mà ông gọi là “xâm lăng” của Trung Quốc và đã chất vấn người Mỹ thế nào về việc đã không “thông tin” cho Chính quyền Sài Gòn về hạm đội hải quân của Trung Quốc.

Qua những gì được thuật lại, còn có thể thấy nội các Chính quyền VNCH đã ở thế “lưỡng nan” vì không thể dàn quân ra cả hai mặt trận đối phó với quân đội Bắc Việt và hạm đội Trung Quốc trên Biển Đông, khi hậu thuẫn của người Mỹ đã thay đổi.

Mở đầu bài nói chuyện với Quốc Phương, ông Hoàng Đức Nhã cho biết cảm xúc của ông sau mười năm ông Thiệu ra đi với tư cách một phụ tá và “người nhà” của ông Thiệu, cũng như bình luận về một số điều đã được đăng tải về người đứng đầu Việt Nam Cộng hòa từ 1967 đến 1975.

Mời quý vị nghe phần một bài phỏng vấn gồm ba phần với ông Hoàng Đức Nhã trong phần audio đi kèm.

___________________________________________________________

Phần 2 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/meta/dps/2011/09/bb/110925_hoangducnha_part2_au_bb.asx

Trong phần hai cuộc trao đổi với BBC Việt ngữ nhân 10 năm ngày mất của ông Thiệu (29/9/2001), ông Nhã, người đang sống tại tiểu bang Illinois, Hoa Kỳ, cho biết ông Thiệu quan tâm ra sao về lãnh đạo đối phương Bắc Việt và đồng minh Hoa Kỳ.

Ông Nhã, người cũng từng giữ chức Tham vụ Báo chí của Tổng thống, cho hay ông Thiệu không chỉ quan tâm thông thường về đối phương, mà còn thành lập cả một bộ phận điều nghiên để nghiên cứu về đường đi, nước bước, ý đồ của lãnh đạo đối phương, kể cả của đồng minh của Bắc Việt Nam lúc đó là Liên Xô và Trung Quốc Cộng sản ra sao.

Được hỏi về quan điểm, bình luận riêng của Tổng thống Thiệu về các Tướng lãnh, lãnh đạo như Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ… ông Hoàng Đức Nhã nhấn mạnh ông Thiệu là một người kiệm lời:

“Tổng thống Thiệu là một người ít nói khi ông chia sẻ những tư tưởng riêng rẽ như thế này. Lúc nào cũng có bối cảnh cả. Khi nào bình luận hay phê bình về ai, thì lúc nào cũng phê bình người đó trong bối cảnh nào vì một hành động nào đó.”

Tuần này có ngày kỷ niệm 10 năm cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu qua đời 29/9/2001

Trách nhiệm bỏ Cao Nguyên

Liên quan tới các diễn biến cuộc chiến Việt Nam đầu năm 1975, khi quân đội Bắc Việt đẩy mạnh các chiến dịch tấn công “giải phóng miền Nam”, quân đội VNCH đã rút quân khỏi vùng I và vùng II chiến thuật, tiếp theo là di tản gấp toàn bộ Quân đoàn I vào Đà Nẵng.

Việc rút bỏ Cao Nguyên trung phần, cùng dòng người tị nạn ước tính tới 2 triệu người đổ vào Đà Nẵng gây hoảng loạn, mất kiểm soát ở thành phố này, khiến cuộc di tản thất bại và gây tổn thất gần như toàn bộ lực lượng quân sự và cơ giới tinh nhuệ của Quân đoàn I trong thời gian rất ngắn vào tháng 3/1975, được cho là những diễn biến hệ trọng và mở đầu dẫn tới sự sụp đổ của Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.

Trả lời BBC về việc liệu Tổng thống Thiệu có trách nhiệm gì không và ra sao với các quyết định rút quân và di tản trên, ông Nhã đưa ra nhiều giải thích, nhưng tựu chung cho rằng ông Thiệu không phải là người có thể quyết định một mình vì còn có cả bộ tham mưu trong quân đội và nội các.

Qua những gì vị cựu Bí thư của ông Thiệu nhấn mạnh, có thể hiểu người đứng đầu Chính quyền Sài Gòn từ năm 1967 đến 1975, tuy xuất thân là một tướng lĩnh, đã được mô tả là luôn tôn trọng các quyết định chiến lược, trọng yếu của quân đội, dù ở trên cương vị Tổng thống.

Về hậu chiến và sau khi ông Thiệu ra nước ngoài, ông Nhã cho hay cố Tổng thống Thiệu đã tham gia nhiều hoạt động vì các cựu quân nhân, nhân viên chính quyền còn ở lại trong nước.

Mở đầu phần hai cuộc nói chuyện với Quốc Phương, ông Hoàng Đức Nhã cho biết một chi tiết đáng chú ý về ông Thiệu có bao giờ bộc lộ “hối tiếc hay không” xung quanh việc ông Ngô Đình Diệm, Tổng thống đầu tiên của VNCH, bị phe đảo chính sát hại năm 1963.

Mời quý vị nghe phần hai bài phỏng vấn gồm ba phần với ông Hoàng Đức Nhã trong phần audio đi kèm.

  1. Không có bình luận
  1. 01.10.2011 lúc 2:27 sáng

Bình luận về bài viết này