Trang chủ > Chính Trị, Chính Trị-Xã Hội, Xã Hội > TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 10

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 10

Kỳ 10 .

Các đơn vị CSBV tấn công, bị tổn thất rất nặng, kể cả số chiến xa bị bắn cháy hay chết rụi nằm trong các tuyến. Số quân còn lại của các đơn vị này vẫn bám trụ bên ngoài của mỗi tuyến phòng thủ vì bom và oanh kích của KQVN và KLHK oanh kích và dội bom dữ dội vào tuyến tấn công của chúng. Cả ngày hôm đó không yểm chiến thuật lên đến hơn 300 phi xuất và Không quân Chiến lược HK đánh gần 30 boxes B-52 trong các mật khu và trên các tuyến đường vận chuyển của chúng, trong số đó có chừng 20 boxes đánh rất gần ngoại vi thị xã. Chính vì sự còn “bám sát” trận địa của các đơn vị bộ chiến nên đêm tối 11/4, pháo của chúng dội vào thành phố không nhiều lắm, chỉ chừng trên dưới một nghìn quả. Thêm nữa, các “Hỏa Long” của KLHK từ căn cứ Không quân Utapao Thái Lan đến bao vùng từ chập tối, suốt cả đêm, cũng đã triệt hạ từng cụm pháo hay từng chiến xa địch ở ngoại vi An Lộc.

Buổi tối, khi Tướng Hưng gọi tôi vào hầm riêng của ông để kiểm điểm lại trận chiến, thì mới biết rõ lời khai của người tù binh thuộc Tiểu đoàn Trinh sát SĐ-5/CS bắt được trong ngày 6/5/1972 có sự khác nhau khá lớn vì: SĐ-5/CS –chủ lực trong trận tấn công đợt 3 này– chỉ sử dụng Trung đoàn 174 tấn công vào tuyến của Trung đoàn 8 và LĐ81/BCND ở mặt bắc và Trung đoàn E-6 tấn công tuyến của CĐ3/BĐQ ở hướng đông bắc và chính đông. Trung đoàn còn lại là Trung đoàn 275 ghi nhận chiếm vùng Đồi Gió và Đồi 169. Cũng được biết là Tư lệnh bộ của Sư đoàn này ở Srok Ton Cui gần đó như tin tức ghi nhận vô tuyến của Đại đội Kỹ Thuật của BTL/HQ/ SĐ5BB. Trong khi đó thì Trung đoàn 95C của SĐ-9/CS tấn công tuyến tây bắc và Trung đoàn 272 tấn công tuyến chính tây của Trung đoàn 7/SĐ5BB. Còn tuyến phía nam là do Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS chia làm hai cánh tấn công vào tuyến phỏng thủ của một đơn vị ĐPQ Tiểu khu tiến vào đường Huỳnh Thúc Kháng đâm ngang hông phía tây của BCH Tiểu khu và cánh thứ hai tấn công vào cổng Xa Cam, do TĐ1/48 thuộc Chiến đoàn 52 –lúc đó đang đặt dưới hệ thống chỉ huy của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù– trấn đóng, chừng hơn hai cây số cách TĐ8ND ở bãi trực thăng tạm về phía nam. Từ sáng sớm Đại tá Lê Quang Lưỡng đã ra lệnh cho TĐ8ND của Trung tá Văn Bá Ninh phản công, hạ 6 chiến xa CSBV và chiếm lại địa điểm này. Như vậy là có đến 5 mũi tấn công chính của quân CSBV vào các tuyến phòng thủ chớ không phải 4. Ở mỗi tuyến tấn công các mũi nhọn cấp Trung đoàn của quân CSBV đều có sự phối hợp từ 8 đến 10 chiến xa của Trung đoàn 203 Chiến xa và của Đơn vị 202 Chiến xa CSBV. Sự phối hợp này rất lỏng lẻo. Chiến xa chạy vào các tuyến trước, quờ quạng như những con cua biển bò trên đất, nên bị chiến sĩ phòng thủ hạ không khó lắm. Còn quân bộ xung kích thì chỉ diễn ra sau khi chiến xa đã bị hạ gần hết.

Điều ngạc nhiên là tuyến đông nam của BCH Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, với ĐĐTS và TĐ5ND của Trung tá Nguyễn Chí Hiếu đóng gần đó làm trừ bị không hề bị tấn công… khi mà SĐ-5/CS và Trung đoàn 209 trực thuộc, với các đơn vị chuyên môn yểm trợ khác, nằm ở các vùng cao điểm đông nam chỉ cách tuyến của BCH Lữ Đoàn Nhảu Dù chừng ba, bốn, cây số…. Tại sao vậy? Ước đoán là TWC/MN tránh không muốn tấn công mặt này vì sơ chạm phải các đơn vị Nhảy Dù thiện chiến, tránh thiệt hại quân vô ích, ngoại trừ tấn công đơn vị trấn giữ sân trực thăng ở đầu nam xa lộ chạy đến gần cổng Xa Cam. Nếu tấn công, xung kích, mà dứt điểm được Trung đoàn 7 và 8 của SĐ5BB và chiếm được BTL Sư đoàn này, mặt trận sẽ tan rã, thì các đơn vị Nhảy Dù ở tuyến phía nam và đông nam cũng bị cô lập và sẽ bị tiêu diệt sau. Kế hoạch tổng công kích An Lộc đợt ba này của TWC/MN do đó đã thất bại hoàn toàn vì sơ hở trọng đại này. Chính không dám tấn công mặt đông nam nên Tướng Hưng và Đại tá Lưỡng mới dám rút TĐ5ND và ĐĐTS/ND phản công đánh bật các mũi dùi phía tây và đông bắc BTL/HQ của SĐ5BB, từ đó bắt đà cho các cánh quân phòng thủ ở mọi tuyến khác phản công chiếm lại các vị trí đã mất.

Sau này, tôi thấy có tài liệu viết rằng, không phải Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS tấn công cổng Xa Cam –tuyến của TĐ1/48 Chiến đoàn 52 của ĐPQ– mà là Trung đoàn 275 của SĐ-5/CS (Tài liệu của Ban Quân Sử BTTM/QLVNCH ghi là “Trung đoàn 275 của SĐ9.” Đó là sự nhầm lẫn hoặc in nhầm, vì Trung đoàn 275 là đơn vị trực thuộc của SĐ-5/CS). Vì vậy nên SĐ-5/CS đã sử dụng hết lực lượng rồi đâu còn đơn vị nào nữa mà tấn công tuyến đông nam của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù. Nhận định này cũng đúng. Nhưng, dù đúng như vậy, thì đó vẫn là sơ hở trong kế hoạch tổng công kích đợt 3 của TWC/MN vào An Lộc. Còn tài liệu của TS Willbanks không ghi rõ phối trí lực lượng tấn công của CSBV trong đợt này. Ông này hình như cũng nói theo tài liệu của Ban QS/BTTM/QLVNCH cho rằng Trung đoàn 274 của SĐ5 tấn công vào tuyến của LĐ81/BCND ở tuyến bắc. Trung đoàn này, không tham dự đợt tấn công này vào An Lộc vì không trực thuộc hai Sư đoàn CS nói trên. Cũng xin nhắc lại: SĐ-5/CS chỉ có 3 Trung đoàn 174, E-6 và 275. Còn SĐ-9/CS chỉ có các Trung đoàn 271, 272 và 95C. Trong một trận đánh mà CSBV né tránh, không muốn đề cập đến, lại không dựa vào các tài liệu thu được ở chiến trường hay căn cứ vào khai báo của tù binh bắt được… thì có lắm chuyện “Ông nói gà Bà nói vịt” xảy ra. Chỉ có các tay tổ của TWC/MN biết rõ hơn ai hết mà họ không chịu nói thì ai nói cho trúng đây….

Trở lại tối 11/4, khi tôi gặp Tướng Hưng trong hầm riêng của ông, ông hỏi tôi đạn pháo ở đâu ra mà CSBV có nhiều đến vậy. Tôi trả lời rằng đâu phải chúng chỉ sử dụng riêng các loại đại bác mà SĐ69 Pháo/TWC/MN đã có, mặc dù trước trận đánh Sư đoàn này nhận được rất nhiều đại pháo mới và rất nhiều đạn ở bãi trên Sông Chhlong ở Kratié, như lời khai của người sĩ quan thuộc Tiểu đoàn Trinh sát của Sư đoàn này tôi đã nói ở phần trên, mà chúng còn sử dụng các loại đại bác 105 ly, 155 ly, và cả các loại súng cối 60 ly và 81 ly mà chúng ta bỏ lại ở căn cứ A của TĐ74/BĐQ/BP, ở ngã ba Lộc Tấn của các khẩu pháo tăng phái cho Thiết đoàn 1 Kỵ binh, ở Lộc Ninh của Tiểu đoàn 53 Pháo binh và Chi khu Lộc Ninh, ở căn cứ Hùng Tâm của Chiến đoàn 52 và ở cầu Cần Lê trong các trận trước. Số súng mà chúng lấy được trên dưới bốn mươi khẩu còn sử dụng được và trên 8,000 quả đạn hay nhiều hơn…. Chúng đã đem các khẩu đại bác này và đạn bắn vào An Lộc cùng với các loại đại bác, hỏa tiễn và súng cối của chúng. Tóm lại, các đơn vị của SĐ69 hay70 Pháo/TWC/MN đã dội xối xả vào An Lộc gồm đủ loại trong pháo và đại pháo từ nhỏ chí lớn, súng cối 60ly, 61 ly, 81 ly, 82 ly, bích kích pháo 120 ly, 160 ly của Liên xô, hỏa tiễn 122 ly, đại bác 105 ly, 155 ly, loại đại pháo liên hợp 6 hay 8 khẩ̉u 75 ly, không giật, đặt trên xe di chuyển, thay đổi vị trí ngay sau mỗi đợt bắn, là loại tối tân nhất của Liên xô, và cuối cùng là đại bác 130 ly với đầu đạn nổ chậm –là loại đầu đạn xuyên phá sâu vào mặt đất trước khi nổ, rất nguy hiểm. Nhiều tài liệu không chấp nhận CSBV đã dùng loại đại bác này. Loại đại pháo này được chúng sử dụng với các đặc điểm như sau: một tiếng nổ nhỏ phát ra khi đạn rời khỏi nòng súng, tiếng nổ khi đạn chạm mặt đất và xuyên xuống, tiếng nổ cuối cùng khi đạn phát nổ dưới đất với một bựng khói bốc lên cao chừng tám đến mười thước. Một hầm rộng chỉ cần “lãnh” một quả là sụp đổ tan tành…. Nghe ba tiếng… tách, phụp, bùm và thấy cụm khói đỏ xám bốc lên khỏi mặt đất thì… biết đó là đại bác 130 ly của Hồng Quân Liên xô cung cấp cho Quân đội Bắc Việt và chúng đưa vào tận chiến trường An Lộc. Hình như chỉ có một hai khẩu…. Rõ ràng là CSBV đã áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” ở mức độ cao nhất ở chiến trường này để quyết tâm tiêu diệt lực lượng phòng thủ An Lộc và dù có biến thành phố này thành “bình địa” chúng cũng phải chiếm cho được. Số đạn chúng dội vào thành phố nhỏ này tính trung binh mỗi chiến sĩ hay mỗi cư dân đã chịu hứng 5 hay 6 quả. Ai chết ai sống, nào ai biết! Vậy từ 9,000 quả, 10,000 quả, hay 11,000 quả ai nói thì cũng phải… vì có ai biết rõ đâu, kể cả những người đã sử dụng pháo định tiêu diệt tất cả mọi người trong thành phố đó… Nhưng chúng đã thất bại.

Trong ngày kế tiếp, 12/5/1972, hình như để chấn chỉnh lại đội ngũ xung kích nên từ sáng sớm đến chiều chúng chỉ pháo kích chừng hai nghìn quả vào các tuyến phòng thủ. Khi trời vừa sụp tối chúng bắt đầu tấn công phối hợp bộ binh chiến xa… đánh ban đêm. Ở hướng tây Trung đoàn 272 SĐ-9/CS tăng cường chiến xa xung kích tuyến của Trung đoàn 7. Ở hướng đông bắc, Trung đoàn 174 của SĐ-5/CS tấn công xung kích vào tuyến của TĐ52/BĐQ và Trung đoàn E-6 của SĐ-5/CS được tăng cường chiến xa tấn công vào TĐ36/BĐQ ở hướng chính đông. Nhưng ở các tuyến chiến xa của chúng bị hạ thêm và các đợt xung kích bộ binh dù dữ dội cũng bị đẩy lui với tổn thất lớn. Ngay trong thành phố, đếm được 28 chiến xa các loại của CSBV bị hạ và ở cổng Xa Cam 6 chiếc nữa do TĐ8ND hạ; tổng cộng là 34 chiếc gồm các loại T-54, PT-76, BTR-50 và ZSU (Bản đồ # 9). Đến sáng ngày 13/5 quân CSBV không còn vụ xung kích nào nữa…. Từ ngày đó chỉ còn các cuộc chạm súng nhỏ diễn ra ở các khu vực mà quân CSBV còn giữ được trong thành phố ở phía tây, bắc và đông bắc. Hằng ngày địch vẫn còn pháo bừa bãi vào thành phố và các tuyến phòng thủ. Tuy nhiên TWC/MN đã không còn đủ lực lượng để tấn công một trận lớn nào nữa vào An lộc sau ngày 13/5/1972 này cho đến khi lực lượng của Tướng Hưng phản công trong tháng 6/1972.

Hình như bị thiệt hại lớn lao hay vì lâm vào thế phải thay đổi cả chiến lược, Tướng Trần văn Trà đã ra lệnh cho SĐ-5/CS rút hẳn ra khỏi chiến trường này trong tuần lễ kế tiếp, sau hai ngày thất bại ở đợt 3 tổng công kích An Lộc… để mở các mặt trận mới trong lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật, mà Tướng Nguyễn văn Minh đã nhìn thấy trước và đã giữ lưc lượng trừ bị đối phó. Chỉ còn SĐ-9/CS ở lại bám sát các tuyến phòng thủ và “bao vây thành phố.” Các đơn vị pháo của SĐ69 Pháo của TWC/MN vẫn tiếp tục bắn phá các tuyến phòng thủ và các đơn vị phòng không của chúng vẫn còn bắn các phản lực oanh kích và dội bom hay trực thăng của KQVN và KLHK trong nhiều tuần nữa. Nhưng số đạn chúng pháo vào thành phố giảm từng ngày, từ một hai nghìn xuống vài ba trăm, rồi vài chục quả mỗi ngày. An Lộc coi như đã thoát hiểm, các đơn vị phòng thủ coi như đã chiến thắng cuộc chiến long trời lở đất đó. Tuy vậy với vị tướng thận trọng và dè dặt như Tướng Nguyễn văn Minh, chưa thể gọi là chiến thắng khi bộ binh tiếp viện của ông chưa vào được thị trấn tỉnh lỵ Bình Long này. Ông đã có kế hoạch mới cho An Lộc trong khi Tướng Trần văn Trà đang có kế hoạch mới cho Mặt trận B-2 mà trước đó ông ta là Tư lệnh (lãnh thổ bao gồm Vùng 3 và Vùng 4 Chiến Thuật của VNCH ở Nam Việt Nam). Hãy xem lại kế hoạch của Tướng Nguyễn văn Minh cứu nguy và đưa quân vào An Lộc.

11. GIẢI TỎA AN LỘC, PHẢN CÔNG.

Có lẽ ngay trong giữa khuya 10/5 rạng ngày 11/5 khi được Tướng Hưng báo cáo là địch đang pháo kích với cường độ vô cùng lớn lao và An Lộc sẽ bị tấn kích trong buổi sáng sớm hôm sau khi dứt tiếng pháo… nên Tướng Minh và Bộ Tham mưu Hành quân của ông đã họp khẩn cấp lúc đó để hoạch định sử dụng các đơn vị chưa lâm chiến thi hành ngay kế hoạch cứu nguy cho An Lộc trong ngày hôm sau. Theo nhận định riêng của tôi thì kế hoạch này có hai phần, diễn ra chỉ cách nhau mấy ngày.

Thứ nhất: Tấn công mạnh để “bứng chốt” ở suối Tàu-Ô nhưng thực ra là để kềm SĐ-7/CSBV không cho tăng cường quân lên mặt bắc tập trung truy diệt Lữ đoàn 3 Nhảy Dù hiện đang còn hành quân trong các vùng ấp Đức Vinh và ấp Tân Khai từ 6km đến 10km phía nam An Lộc hay hợp công với các đơn vị chủ lực khác dứt điểm An Lộc.

Thứ hai: Khi quân CSBV tấn công vào An Lộc đợt 3 này thì ở vùng hai ấp nói trên có hai Trung đoàn 165 và 141 của SĐ-7/CSBV cộng thêm Trung đoàn 271 của SĐ-9/CS. Tất nhiên chúng phải rút bớt đơn vị sau trả về Sư đoàn gốc để tấn công An Lộc, chỉ còn lại ở chiến trường phía nam này hai Trung đoàn của SĐ-7/CSBV đã đang còn đánh nhau dữ dội với LĐ3ND và tất nhiên là đã thấm mệt vì tổn thất bởi các trận chạm súng và bởi hỏa lực không yểm quân Dù của KQVN và KLHK, nhất định là đã yếu đi. Nay Tướng Minh đổ thêm một cánh quân mạnh vào Tân Khai, tức nhiên lấy mạnh đánh yếu, vừa giải tỏa áp lực cho LĐ3ND, vừa có thể đánh thốc lên tiến thằng vào An Lộc bắt tay với các cánh quân phòng thủ An Lộc của Tướng Hưng mà gần nhất ở mặt nam là cánh quân của LĐ1ND của Đại tá Lê Quang Lưỡng. TWC/MN đã hết quân, không thể truy cản được cánh quân mới nhập trận này.

Phần thứ nhất của Kế hoạch được thưc hiện vào sáng tinh sương ngày 11/5/1972.

Trung đoàn 32 của SĐ21BB được tăng cường hai Chi đoàn chiến xa 1/5 và 1/18, cộng thêm Chi đoàn 1/2 Thiết kỵ, chia làm hai mũi, xuất phát từ Chơn Thành cặp theo hai bên trục QL-13 tấn công mạnh vào chốt chặn ở đoạn đường dài hơn 3 cây số khu vực suối Tàu-Ô. (Quận lỵ Chơn Thành được giao cho Trung đoàn 9/SĐ5BB (-) –mới được tái lập với hai Tiểu đoàn, tạm thời đặt trực thuộc hệ chỉ huy hành quân của SĐ21BB, bảo vệ trục QL-13 từ Lai Khê lên Chơn Thành). Ở mặt trận Suối Tàu-Ô, cuộc chạm súng đã diễn ra vô cùng dữ dội. Cần nói là trước khi quân của Trung đoàn 32 tiến đánh các mục tiêu, các chốt chặn liên hợp của Trung đoàn 209/SĐ-7/CSBV tăng cường Trung đoàn 101 Địa phương, một Đại đội trinh sát của SĐ-7/CSVB, Đại đội C41 Chống Chiến xa, một Đại đội phòng không, tất cả ước chừng hơn 1,200 cán binh –đóng chốt trong hai căn cứ với hầm hố kiên cố ở hai bên đường do các đơn vị HK để lại, kết hợp với các địa đạo sâu chi chít và hệ thống các “kiềng” dày đặc– đã bị dội hàng chục phi xuất B-52, và mỗi lần bị tấn kích chúng đã phải hứng hàng vài chục phi xuất không kích với bom, đạn, kinh hồn… của KQVN và KLHK mà chắc chắn rằng tổn thất không nhỏ. Có lẽ chúng chỉ thêm quân từng toán nhỏ và tiếp tế vào đêm… nhưng các chốt đó vẫn tồn tại. Cũng dĩ nhiên là chúng cũng không thể nhích chân để chuyển lên phía bắc để tiếp tay với các đơn vị khác. Và như vậy, Tướng Minh cũng thực hiện được một phần kế hoạch của ông, mặc dù sau đó đã phải tăng viện thêm cho Trung đoàn 32 ba Tiểu đoàn 65,73 và 84 BĐQ….

Phần thứ hai của Kế hoạch được thực hiện vào ngày 14/5/1972.

Trong ngày 11/5 khi Trung đoàn 15 của SĐ9BB đến Lai Khê, Trung tướng Minh định đưa vào tăng cường cho Tướng Hưng, bằng trực thăng vận vào thẳng An Lộc, nhưng trong đêm 10 rạng 11/5 CSBV pháo kích khủng khiếp vào An Lộc và biết rằng sáng sớm chúng sẽ tấn công vào các tuyến phòng thủ thành phố bằng bộ binh và chiến xa nên Trung tướng Minh đã thay đổi chiến thuật: vẫn đưa Trung đoàn này và một Trung đoàn khác vào An Lộc nhưng bằng cách khác. Sau mấy ngày chuẩn bị, mặc dù sau hai ngày 11 và 12/5 các mũi tấn công của CSBV và các tuyến phòng thủ đã bị chặn đứng và mức độ tấn kích của chúng cũng giảm đi, nhưng kế hoạch vẫn được tiến hành. Hai cánh quân được chuẩn bị để đưa vào chiến trường:

Cánh quân thứ nhất là Chiến đoàn 15 với các Tiều đoàn 1, 2, 3 và Đại đội 15 Trinh Sát trực thuộc, tăng cường Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Pháo đội 93 Pháo binh, do Trung tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy, chia làm ba đợt, trước tiên vào Tân Khai. Sau đó sẽ dùng nơi này làm “bàn đạp” tiến lên An Lộc. Đợt thứ nhất xuất phát gồm Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Tiểu đoàn 1/15 tùng thiết kéo theo Pháo đội 93, xuất phát từ Chơn Thành, hành quân bộ tiến lên hướng bắc, đến Ngã ba Ngọc Lầu, 2km bắc Chơn Thành bọc vòng ra phía đông QL-13, nội trong ngày 15/5 đã vào ấp Tân Khai và thiết lập căn cứ hỏa lực Long Phi. Đợt thứ hai, Tiểu đoàn 2/15 được trực thăng vận xuống bãi đáp phía tây cách Tân Khai chừng 1km, tiến vào ấp trong ngày 16/5. Sau đó Bộ Chỉ huy Chiến đoàn đổ xuống căn cứ hỏa lực trong ấp. Đợt thứ ba, Tiểu đoàn 3/15 và ĐĐ15TS cũng được trực thăng vận đổ xuống phía đông, rồi tiến vảo Tân Khai. Các cuộc đổ quân an toàn.

Cánh quân thứ hai là Trung đoàn 33/SĐ21BB với các Tiểu đoàn bộ binh và Đại đội trinh sát trực thuộc, do Trung tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy, cũng sẽ vào Tân Khai. Từ đó sẽ tiến lên An Lộc song song với cánh quân thứ nhất. Ngày 17/5 một Tiểu đoàn của Trung đoàn này được trực thăng vận vào căn cứ Long Phi để bảo vệ đơn vị pháo binh và thay cho Tiểu đoàn 2/15 rút ra khỏi căn cứ và di chuyển quân bên ngoài tiếp nối với Tiểu đoàn 3/15. Ngày 18/5 Trung đoàn 33 (-) xuất phát từ một căn cứ hỏa lực cách Ngã ba Ngọc Lầu 1km và cách Chơn Thành 3km về phía bắc, cũng bọc ra hướng đông trục lộ, theo đường tiến quân của Thiết đoàn 9 Kỵ binh và Tiểu đoàn 1/15 trong mấy ngày trước, vào Tân Khai trong ngày đó. Như vậy, đến ngày 18/5 này coi như cả hai cánh quân giải tỏa An Lộc đã đến được địa điểm tập trung và xuất phát mới chỉ cách An Lộc về phía nam chừng 10km.

Nhưng 10 cây số này là đoạn đường sống chết vô cùng nguy hiểm cho cả hai cánh quân nói trên nếu không có một cánh quân bạn –tái nhập cuộc– làm đảo lộn cục diện ở đoạn đường này và cục diện chiến trường An Lộc, vì đã đánh một trận để đời làm cho… quân CSBV thực sự kiệt lực.

Xin nhắc lại diễn tiến:

Ngày 18/5, khi Trung đoàn 33 (-) của SĐ21BB đến Tân Khai thì Chiến đoàn 15 của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn bắt đầu xuất phát tiến lên An Lộc, với toàn bộ 3 Tiểu đoàn, Đại đội trinh sát và nguyên vẹn Thiết đoàn 9 Kỵ binh; chỉ để lại Trung đoàn phó Trung đoàn 15 chỉ huy căn cứ pháo yểm Long Phi với 4 khẩu đại bác 105 ly và 2 khẩu 155 ly và một Tiểu đoàn của Trung đoàn 33/SĐ21BB, đến yểm trợ và bảo vệ căn cứ từ hôm trước. Như vậy, khi xuất phát từ Tân Khai tiến lên An Lộc, Trung đoàn 33 (-) của Trung tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy có hai Tiểu đoàn bộ binh và Đại đội trinh sát trực thuộc, không có đơn vị chiến xa cùng theo. Ở đây có một chi tiết quan trọng cần nêu lên là hai cánh quân này cùng tiến lên giải tỏa hay bắt tay với các đơn vị phòng thủ An Lộc không có một cấp chỉ huy thống nhất, cấp bậc cao hơn –tức là cấp đại tá– để chỉ đạo hai ông trung tá chỉ huy hai cánh quân khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ. Dĩ nhiên, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh SĐ21BB chỉ huy toàn thể các cánh quân đó, nhưng ông ở Lai Khê lại còn phải điều động các cánh quân khác nữa, nên cần… phải chỉ định một vị chỉ huy và ban tham mưu của vị này để trực tiếp chỉ huy Chiến đoàn 15 và Trung đoàn 33. Cũng cần nên nói là sao chỉ tổ chức “một Chiến đoàn” quá nhiều quân và “một Trung đoàn” trừ bớt một Tiểu đoàn trong khi hai cánh quân này cùng song song tiến theo trục lộ: Chiến đoàn 15 ở hướng tây và Trung đoàn 33 (-) ở hướng đông? Do đó, trước tiên là thiếu sự chỉ huy phối hợp, thiếu đồng nhất –cánh mạnh, cánh yếu. Thứ đến, kế hoạch hành quân không được phối hợp chặt chẽ, thiếu yểm trợ hữu hiệu, và có thể thiếu cả sự tương trợ khi cần đến nhau. Tóm lại những quyết định tại chỗ của một cấp chỉ huy thống nhất rất cần thiết cho một cuộc hành quân phối hợp có nhiều đơn vị khác nhau…. Dựa vào “logic” mà nói thì nhận định trên không sai, nhưng hình ở trận lần thứ hai đổ quân vào Tân Khai này tình thế trận địa có vẻ phù hợp với tổ chức các cánh hành quân như Tướng Minh hay Tướng Nghi đã làm. Vì cánh quân sườn tây trục lộ tiến lên An Lộc của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn chạm địch dữ dội, mạnh nhiều lần hơn so với cánh quân của Trung tá Nguyễn Viết Cần ở sườn đông trục lộ.

Đêm 18/5 địch bắt đầu pháo kích vào căn cứ Long Phi. Rốt cục, Trung tá Hồ Ngọc Cẩn quyết định để thêm Tiểu đoàn 1/15 ở lại phối hợp với Tiểu đoàn có sẵn của Trung đoàn 33, thay nhau bung ra để hạn chế bớt việc địch pháo bắn súng cối vào căn cứ hỏa lực quan trọng này.

Cánh quân của Chiến đoàn 15 từ lúc xuất phát đã bị địch đánh nhiều trận lớn, nhất là bị địch bám sát bắn súng cối liên tục trong các ngày 19, 20 và 21/5, như trước đây chúng đã dùng để đối phó với quân Nhảy Dù trong vùng này. Trận chạm súng mạnh nhất diễn ra ở ấp Đức Vinh. Đây là vùng trận địa của Trung đoàn 141/SĐ-7/CSBV. Mặc dù vậy, đến sáng ngày 22/5 cánh quân này đã tiến đến một địa điểm khoảng 1km hướng nam xã Thanh Bình. Xã này nằm bên ngoải vòng đai phòng thủ hướng tây nam chỉ cách thị xã tỉnh ly An Lộc chừng 2km. Như vậy là rất gần An Lộc, nhưng bị Trung đoàn 141 chận đánh dữ không tiến lên được. Các Tiểu đoàn 2/15, 3/15, Đại đội 15 Trinh Sát và Bộ Chỉ huy Chiến đoàn bị pháo dữ dội, bị xung kích bằng bộ binh có chiến xa phối hợp, nhưng đã đẩy lui mọi cuộc tấn kích đó. Tuy vậy, tiến không được, thối cũng không xong. Chiến đoàn đã bị bao vây kể từ ngày 23/5. Chiến sĩ chết phải chôn tại chỗ, chiến sĩ bị thương không tản thương được. Trong mấy ngày liền phải được tiếp tế thực phẩm và đạn dược bằng thả dù. Trực thăng cũng không đáp được. Hàng ngày chỉ có vài chục phi xuất không yểm, oanh kích và thả bom là có kết quả. Thiết đoàn 9 tiến trên trục QL-13, từ Tân Khai lên Đức Vinh, theo sau Chiến đoàn, không bị tấn công. Chiều ngày 23/5 Trung tá Cẩn quyết định mở đường máu bằng Thiết quân vận của Thiết đoàn này tản thương cả trăm thương binh về Tân Khai. Thành công. Nhưng ngày hôm sau, 24/5 khi trở lên nơi đóng quân của Chiến đoàn, qua khỏi ấp Đức Vinh, Thiết đoàn bị một đơn vị cấp Tiểu đoàn và một đơn vị chống tăng của TRĐ141 phục kích, tổn thất nặng, hàng chục chiến sĩ hy sinh hàng chục mất tích, gần 80 bị thương, 22 Thiết quân vận M-113 bị B-40, B-41 và hoả tiễn AT-3 Sagger bắn hạ. Chiến đoàn 15 phải đưa một đơn vị bộ yểm trợ và phối hợp với Thiết đoàn 9 Kỵ binh mở đường trở về căn cứ Long Phi, ở Tân Khai. Sau đó, đại bộ phận chiến sĩ bộ binh của Chiến đoàn trụ lại địa điểm đóng quân bên ngoài xã Thanh Bình, tổ chức lại đơn vị. Toàn bộ chỉ còn gần 350 chiến sĩ chiến đấu được. Ngày 25/5 Chiến đoàn này lại đánh thốc lên An Lộc, nhưng không tiến lên nổi. Không yểm VNCH và KLHK đã trở nên tối cần hơn bao giờ…. Đã có hàng trăm phi xuất ngày đó và mấy ngày tiếp theo.

Cánh quân thứ hai, Trung đoàn 33 (-) của Trung tá Nguyễn Viết Cần lúc đó bắt tay với Trung đoàn 31/SĐ21BB (không nhớ tên Trung đoàn trưởng) –trước đã được đưa vào tăng cường cho Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù trong vùng ấp Đức Vinh– khi quân Dù rút quân, vẫn bám trụ trong vùng này. Ngày hôm sau, Trung đoàn 33 tiến lên hướng bắc, Trung đoàn 31 vẫn tiếp tục được lệnh hoạt động trong địa bàn cũ vùng phía đông Đức Vinh. Trung đoàn 33 vừa qua khỏi đông bắc ấp Đức Vinh bị Trung đoàn 165/SĐ-7/CSBV chận đánh. Nỗ lực đánh thốc lên phía bắc của cánh quân này ngày 31/5/1972, cũng không thành công. Tổn thất của địch lớn bởi hỏa lực không yểm của KQVN và KLHK nhất là là trực thăng võ trang Cobra HK rất nhanh với các dàn đại liên bắn chính xác. Cánh quân này của Trung tá Nguyễn Viết Cần tránh không khỏi tổn thất, nhất là bị pháo kích, nhiều nhất vẫn là các loại súng cối 61 ly, 82 ly và loại hỏa tiễn 122 ly. Chiến sĩ bị thương đã lên đến hơn 200. Không ghi nhận rõ bao nhiêu chiến sĩ hy sinh và mất tích.

Trong bốn năm ngày kế tiếp cả hai cánh quân của hai ông Cẩn và Cần còn tiếp tục chịu nhiều trận tấn công xung kích bộ và chiến xa của hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV. Số binh sĩ thương vong của hai cánh quân bạn càng nhiều hơn, nhưng vẫn không thể tản thương được vì trực thăng không thể đáp xuống các vị trí đóng quân dã ngoại của các cánh quân này. Màn lưới phòng không của chúng dày đặc, nguy hiểm nhất là loại hoả tiễn SA-7. Trực thăng không thể đáp được. Chỉ có thể nhờ vào không yểm mà thôi, kể cả những boxes B-52….

Vào những giờ phút khó khăn, gay cấn nhất của hai cánh quân “Giải tỏa An Lộc” nói trên thì đơn vị cứu tinh tái xuất hiện ở chiến trường nam An Lộc này. Đó là Tiểu đoàn 6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, do Trung tá Nguyễn văn Đỉnh chỉ huy.

Nhớ lại, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh trong tháng 4/1972, đã chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đổ quân vào tăng cường An Lộc, chiếm hai cao điểm đông nam An Lộc, Đồi Gió và Đồi 169. Khi đang đóng quân tại Srok Ton Cui gần đó thì đêm 20/4 rạng ngày 21/4 cả ba địa điểm này bị hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV và Trung đoàn 209 của SĐ-5/CS tràn ngập, ông phải chỉ huy hai Đại đội đánh mở đường máu rút xuống ven Sông Bé và được trực thăng đón về Lai Khê với hơn một trăm chiến sĩ Dù. Ngày đó địch đã tấn công đơn vị của ông với lực lượng 6/1 (2,400/400). Phải đánh mở đường máu mà thôi. Sau hơn một tháng, Tiểu đoàn của ông được bổ sung với quân số thặng dư của Sư đoàn Nhảy Dù gồm các chiến sĩ Dù của tất cả các đơn vị Dù khác bị thương trong nhiều trận đánh, hồi phục sau thời gian trị bịnh –trong đó có nhiều sĩ quan các cấp dày dạn chiến trường– và một số tân binh tình nguyện, thường là những thanh niên can đảm, nên khi tái thành lập, Tiểu đoàn đã có khả năng tác chiến như các đơn vị Dù khác. Trở lại chiến trường An Lộc để tái sát nhập với Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng. Tướng Minh giao trách nhiệm cho Trung tá Đỉnh đánh giải vây cho hai cánh quân của hai ông Cẩn và Cần, trước khi Tiểu đoàn Dù này vào An Lộc. Nên khi vào trận địa, Trung tá Đỉnh còn dẫn theo đơn vị của mình 300 quân bộ binh bổ sung cho Chiến đoàn 15 của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn.

Ngày 4 tháng 6, 1972 TĐ6ND được trực thăng vận đổ quân ở một bãi đáp cách căn cứ pháo yểm Long Phi ở Tân Khai chừng 2km, hướng đông bắc. Tiểu đoàn cặp theo hướng đông QL-13 tiến lên hướng bắc, qua khỏi ấp Đức Vinh, bất thình lình đánh thúc vào ngang hông của Trung đoàn 165/SĐ-7/CSBV lúc đó đang đối đầu với Trung đoàn 33 của Trung tá Nguyễn Viết Cần. Đơn vị địch tổn thất nặng phải bỏ trận địa rút lên hướng bắc vùng Đồi Gió và Đồi 169. Áp lực địch không còn, các đơn vị của Trung tá Cần có thể dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương hơn hai trăm thương binh ra khỏi trận địa và đơn vị tiếp tục vượt qua Đồn điền cao su Xa Trạch vào ấp Đồng Phất 1, chừng 4km nam An Lộc. Ngày 6/6, đơn vị Dù của Trung tá Đỉnh tiếp tục tiến qua hướng tây trục lộ, một lần nữa đánh ngang hông Trung đoàn 141/SĐ-7/CSBV, giải vây, bắt tay với Chiến đoàn 15 và giao 300 quân bổ sung cho Trung tá Cẩn. Đơn vị của ông Cẩn cũng ngay sau đó cũng dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương gần 150 thương binh (Bản đồ # 8). TĐ6ND là cứu tinh của hai cánh quân miền Tây này ở mặt trận nam An Lộc. Đơn vị của Trung tá Cẩn đã khoẻ hơn…. Người anh hùng, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, Tiểu đoàn trưởng TĐ6ND, đã lập kỳ tích lớn lao đánh những trận quyết định làm cho hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV bị thiệt hại thật nặng –gần như tan rã– báo được mối hận tháng trước bị hai đơn vị cộng sản này đánh xé đôi đơn vị của mình ở vùng Srok Ton Cui và Đồi Gió.

Ngày 8/6, hai đơn vị của hai ông Trung tá Dù và bộ binh này thành hai mũi nhọn song song cùng tiến lên An Lộc. Trong buổi sáng đó, khi TĐ6ND tiến đến phía đông xã Thanh Bình, lại lần nữa chạm súng dữ dội với một đơn vị của Trung đoàn 141, địch tháo chạy, bỏ lại trận địa trên 70 xác chết và hơn 30 súng cộng đồng và cá nhân. TĐ6ND tổn thất 11 chiến sĩ hy sinh và hơn 50 bị thương. Sau đó Tiểu đoàn này của Trung tá Đỉnh tiế́p tục tiến qua đồn điền Xa Cam và bắt tay với TĐ8ND của Trung tá Văn Bá Ninh. Trung đoàn 15 tiến theo sau và đóng quân bên ngoài An Lộc với thiệt hại trên 150 chiến sĩ hy sinh, gần 600 bị thương và trên 30 mất tích, nhưng cũng đã hạ tại trận trên 300 cán binh, thu hơn hàng trăm vũ khí cộng đồng và cá nhân, và bắn cháy 2 chiến xa của quân CSBV từ khi đổ quân vào Tân Khai và tiến lên An Lộc.

Trung đoàn 33 cũng đã tiến qua khỏi ấp Đồng Phất 1 và chạm khá nặng với một đơn vị địch quãng giữa đường khi tiến lên ấp Đồng Phất 2. Tiếc thay, khi đã đẩy lui được mọi cuộc tấn công của địch quân và vào đóng quân tại ấp này, đến ngày 29/6/72 Trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Viết Cần hy sinh trong một đợt pháo kích của địch quân. Ông được truy thăng Đại tá. Nếu ở miền Đông gia đình “Đỗ Cao…” có hai người con hy sinh cho QLVNCH là Tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh QĐIII & V3CT và em ruột là Thiếu tá Đỗ Cao Luận thì ở miền Tây gia đình “Nguyễn Viết…” cũng có hai sĩ quan một cấp Tướng và một cấp Tá hy sinh trên chiến trường làm rạng rỡ dòng tộc là Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh QĐIV& V4CT và em ruột là Đại tá Nguyễn Viết Cần. Còn bao nhiêu gia đình nữa có hai hoặc ba người con hy sinh ở chiến địa cho miền Nam tự do?.. Thương cảm biết bao!

Từ ngày 8/6 khi sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ hai cánh quân TĐ6ND và Trung đoàn 15 tay bắt mặt mừng với các chiến sĩ phòng thủ An Lộc thì cục diện chiến trường này đã hoàn toàn thay đổi. Trong thành phố An Lộc, Tướng Lê văn Hưng ra lệnh cho các cánh quân phòng thủ phản công đánh chiếm lại các khu vực ở các tuyến đã bị quân CSBV chiếm trong các trận đánh trước.

Tuyến hướng Tây, Trung đoàn 7/SĐ5BB chiếm lại khu vực trại giam tỉnh ra cổng Phú Lố và trọn con đường dài Hoàng Hoa Thám bọc quanh phía tây thị xã. Tuyến phía bắc Liên đoàn 81/BCND tái chiếm lại toàn bộ khu vực thương mại bắc thành phố và Sân bay Đồng Long, Tuyến phía đông Chiến đoàn 3/BĐQ chiếm trọn lại tuyến cũ trên Đại Lộ Nguyễn Du, bung ra xa khỏi đường rầy xe lửa đến cổng Quản Lợi. Đến quá trưa ngày 12/6 tàn quân của các đơn vị địch không kịp rút chạy hay bỏ trốn đều bị hạ. Tuyến phía nam thị xã, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vẫn giữ chặt chẽ từ lâu, sân bay trực thăng tạm ở đầu xa lộ bắt đầu hoạt đông lại từ đầu tháng 6, khi các cánh quân từ Tân Khai tiến lên đang đánh nhau với các đơn vị địch (Bản đồ # 7). Từ khi hai cánh quân của TĐ6ND và Trung đoàn 15/SĐ9BB vào đến vòng đai An Lộc và bắt tay với TĐ8ND, thì đã có rất nhiều loại trực thăng chở quân đến, tải thương đi,

An Lộc hình ảnh trận chiến

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 (Kỳ 1)

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 2

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 3

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 4

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 5

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 6

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 6 (Tiếp theo)

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 7

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 8

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 9

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 10

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 11

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này