Trang chủ > CSVN, HỒI KÝ, Lịch sử, VNCH > TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 11

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 11

Kỳ 11.

Đến hết ngày này coi như thành phố An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh Bình Long hoàn toàn được giải tỏa, Sài Gòn và Washington không còn bận tâm lo lắng nhiều nữa. Hà Nội đã vuột mất thành phố này, không như chúng từng tuyên bố. Kế hoạch về quân sự và chính trị của CSVN đã hoàn toàn thất bại.

Ngày kế tiếp, 14/6/1972, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, gởi công điện khen ngợi các Tướng Tư lệnh QĐIII & V3CT, Tướng Tư lệnh SĐ5BB, Tướng Tư lệnh SĐ21BB và toàn thể các đơn vị trưởng và chiến sĩ các cấp của tất cả các đơn vị phòng thủ và khai thông QL-13.

Trên thực tế, con đường bộ từ Chơn Thành lên đến Tân Khai đã không thể nối liền được. Trung đoàn 32/SĐ21BB bị thiệt hại nặng ở khu vực chốt chặn suối Tàu-Ô, phải đưa về SĐ25BB để bổ sung và Sư đoàn này đưa Trung đoàn 46 trực thuộc vào thay thế để tiếp tục “bứng” chốt ở đó. Ở đoạn trên, các Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV sau mấy trận đánh với Chiến đoàn 15, Trung đoàn 33 và TĐ6ND trong tuần lễ trước, tuy bị tổn thất nặng nề về vũ khí và nhân mạng, nhưng ngày 17/6 đã tập trung trong vùng ngoại vi Tân Khai, tổ chức thành cả hàng chục địa điểm phòng không và pháo với ý định dứt điểm căn cứ hóa lực Phi Long của Chiến đoàn 15 ở Tân Khai. Tướng Nghi, Tư lệnh SĐ21BB phải điều động Trung đoàn 31 từ ngoại vi ấp Đức Vinh quay về, phối hợp với hai Tiểu đoàn bộ binh và Thiết đoàn 9 Kỵ binh (-) trong căn cứ để bảo vệ căn cứ hỏa lực này. Ngày 18/6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng được lệnh xuất phát ra khỏi SĐ5BB rời chiến trường An Lộc, di chuyển hành quân xuống Tân Khai và lập thêm thành tích đánh một trận lớn nữa, hạ gần 600 quân của hai Trung đoàn nói trên của SĐ-7/CSBV –bỏ xác tại trận– và tịch thu trên 70 súng đủ loại, trong đó cả nhiều loại đại liên phòng không. Đó là trận đánh lớn cuối cùng của mặt trận Binh Long mà Lữ đoàn cứu tinh này đã thực hiện. Sau đó tất cả các đơn vị Dù của Đại tá LQL được trực thăng vận về Chơn Thành và trở về Sài Gòn bổ sung rồi tăng viện cho QĐI & V1CT. Tàn quân của các Trung đoàn CSBV rút về tăng cường chốt chặn Tàu-Ô. Coi như SĐ-7/CSBV đã mất ba phần tư nhân lực và phân nửa vũ khí ở chiến trường nam An Lộc và trên QL-13 mặc dù chúng vẫn giữ chặt được chốt chặn Tàu-Ô này trong khi các tướng chỉ huy của chúng ở TWC/MN đã để thua một cuộc chiến lớn nhất trong thời điểm đó.

Chiến thắng ở Bình Long là điều khẳng định của các tướng lãnh, các cấp chỉ huy đơn vị và chiến sĩ phòng thủ và tiếp ứng An Lộc. Nhưng trên hết vẫn do tinh thần “quyết tử” của những người giữ thành từ ông tướng đến một chiến sĩ vô danh như một nghĩa quân, một địa phương quân, một cảnh sát, hay ngay cả một cư dân, một cậu bé nhỏ tên Đoàn văn Bình từng xin Đại tá Trần văn Nhật súng để “bắn xe tăng” địch, hoặc giả như một cô thơ ký hành chánh tỉnh chạy giặc ẩn trú trong khu vực của LĐ81/BCND đã viết hai câu đối ca ngợi chiến sĩ của đơn vị thiện chiến này “An Lộc địa sử ghi chiến tích. Biệt Kích Dù vị quốc vong thân.” Như vậy cô thư ký này cũng đã tham dự vào chiến công giữ vững An Lộc. Các tỉnh thành miền Đông, miền Tây, ngay cả Sài Gòn bừng bừng tin chiến thắng, đến chị em bán hàng trong Chợ Bến Thành và các chợ búa khác ở Sài Gòn cũng biết “Tướng Hưng tử thủ và chiến thắng An Lộc”. Hình như ít ai biết “giữ được An Lộc, đánh được Tướng Trần văn Trà là công lớn của vị Tướng cầm quân hữu tài, túc trí, Nguyễn văn Minh, Tư lệnh QĐIII & V3CT”. Và chính vì tiếng vọng xa của Hưng đã làm… hại ông cộng thêm một sự kiện khác diễn ra vào những ngày chót chiến thắng đã làm cho binh nghiệp của ông không còn hanh thông như trước nữa. Tôi sẽ nói… nhưng nên nói sao cho phải lẽ trước, sau.

Trước tiên là mấy ông tướng cầm quân TWC/MN tức ấm ức, nhất là Tướng Trần văn Trà nổi danh, vì biết sẽ thua ở An Lộc, nhưng vì Chiến dịch mùa Hè năm 1972 đó của Bộ Chính Trị Đảng và Quân Ủy Trung Ương quyết nghị và chỉ đạo chưa ngã ngũ ở Vùng 1 và Vùng 2 Chiến Thuật, nên, cũng giống như các võ sĩ thượng đài có tiếng, chẳng lẽ… mới bị đấm một vài “cú” vào mặt ngã ngửa mà không cọ quạy tay chân thì người ta tưởng là chết gục rồi, nên mấy ảnh đành gượng dậy –từ cuối tháng 5/1972 và tiếp theo từ trung tuần tháng 6/1972– đánh qua Phước Long, đấm qua Xuyên Mộc, Đất Đỏ tỉnh Phước Tuy, đấm xuống Đức Huê, tỉnh Hậu Nghĩa và còn đánh càn xuống Cái Bè, Cai Lậy tỉnh Định Tường, Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường của Vùng 4 CT. Ở mấy nơi thuộc lãnh thổ Vùng 3 Chiến Thuật thì Tướng Minh biết rồi và đã có lực lượng trừ bị đánh trả. Còn sở dĩ Tướng Trà cho đánh lan xuống Vùng 4 là vì, tuy trong chiến dịch này ông ta là Tư lệnh Tiền phương của BTL/TWC/MN, nhưng trước đó là Tư lệnh Mặt Trận B-2, mà theo tổ chức của CSBV, gồm cả lãnh thổ V3CT và V4CT của QLVNCH, nên lập kế hoạch đánh khắp… nơi cho mặt trận nó rộng lớn. Đánh thì đánh nhưng ở đâu thì mùa Hè năm đó ông Trần văn Trà cũng thua thôi. Lý do là vì TWC/MN chỉ có mấy đơn vị bộ chiến chủ lực, Sư đoàn 5, 7, 9 và Sư đoàn mới thành lập C30B, còn một số đơn vị địa phương cấp Trung đoàn hay Tiểu đoàn. Các đơn vị địa phương CS không ai coi ra gì, chủ lực thì, nói riêng trong mùa Hè đó, chỉ có SĐ-7/CSBV và Sư đoàn 69 Pháo là các lò nướng rụt rịt qua lại khá lâu tại chiến trường Binh Long-An Lộc chịu… đốt, còn các đại đơn vị khác thì như những chiếc lò nướng lớn, di chuyển loanh quanh đông tây nam bắc, mà bao nhiêu lớp người “sinh Bắc, tử Nam” đưa từ ngoài ấy vào đều chung vào các lò… đó để nướng, hết lớp này đến lớp khác…. Chết thì châm… thêm. Càng châm thì càng chết. Vậy mới đúng nghĩa với câu “dĩ ngôn” rất ư là… thản nhiên của các “lãnh tụ” Đảng CSVN khuyến dụ nhân dân miền Bắc… ái quốc, “chống Mỹ cứu nước” và “giải phóng nhân dân miền Nam” v.v. và v.v.

Kế tiếp là phải nói đến chiến thắng của quân dân ở An Lộc chẳng những tạo niềm tin lớn lao trong mọi tầng lớp trong quần chúng các tỉnh miền Nam mà còn vang xa đến tận nhiều nơi trên thế giới, những chiến lược gia lỗi lạc như Tướng Moshi Dayan của Do Thái, đã đến Nam Việt Nam –như nói ở trên– để tìm hiểu bằng cách nào mà quân phòng thủ miền Nam trong một thành nhỏ này lại có thể chiến thắng được đạo quân thiện chiến của Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ… nhất là Sir Robert Thompson, nhà chiến lược nổi tiếng của Anh Quốc –lúc đó đang là cố vấn đặc biệt cho TT Nixon– cũng được Tướng Hollingsworth hướng dẫn vào thị xã An Lộc trong ngày 15/6/1972 và được Tướng Hưng đưa đi quan sát sự đổ nát gẩn như hoàn toàn của thành phố và một số xác của các chiến xa CSBV ở khắp các tuyến phòng thủ… đã vô cùng ngạc nhiên về sức chiến đấu, lòng can đảm và sự chịu đựng của chiến sĩ phòng thủ An Lộc. Ông cho rằng chiến công của chiến sĩ An Lộc trong trận chiến này lớn lao hơn ĐBP rất nhiều và tỏ ra khâm phục các tướng, tá, các cấp chỉ huy và chiến sĩ phòng thủ. Hình như chưa cỏ một nơi nào mà sĩ quan và binh sĩ ôm vũ khi rượt bắn xe tăng và hạ hầu hết bất cứ chiến xa nào đã vào thành phố…. Tiếng vang chiến thắng An Lộc cũng đến thủ đô các nước Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân. Nên BTTM/QLVNCH định thành lập một phái đoàn gồm các chiến sĩ anh hùng ở mặt trận này thăm viếng và thuyết trình “Trận An Lộc” ở Đài Bắc và Hán Thành. Đây là việc làm tốt để biểu dương thành tích của QLVNCH.

Ngày hôm sau, 16/6 Trung tướng Nguyễn văn Minh mới vào thị sát và ủy lạo chiến sĩ phòng thủ An Lộc. Ông được hoan nghinh lắm và rất… lắm lắm bởi chiến sĩ Trung đoàn 8, nhất là của Đại tá Trung đoàn trưởng Mạch văn Trường. Đêm đó ai nghe Đài Phát thanh QĐ sẽ được nghe ông MVT nói là hằng ngày vị Tướng Tư lệnh này đều bay trên nền trời An Lộc để trực tiếp chỉ huy, khích lệ và khen ngợi, nâng cao tinh thần chiến đấu… của chiến sĩ và còn cho thả dù… thịt heo quay và bánh hỏi cho chiến sĩ phòng thủ….

Ngày 18/6/1972, Trung tướng Nguyễn văn Minh tuyên bố An Lộc đã được hoàn toàn giải tỏa.

Nhưng cũng ngay đêm đó, Tướng Hưng lại mang thêm mối họa khác, và lần này lớn hơn mọi lần khác: Trung tướng Minh gởi công điện lệnh cho Tướng Hưng đưa ngay Đại tá Mạch văn Trường về trình diện BTL/HQ/QĐIII & V3CT để chuẩn bị… mọi thứ –nhất là các tài liệu cho các buối thuyết trình lớn– về trận chiến An Lộc. Đại tá MVT được QĐIII & V3CT chỉ định và đề nghị lên BTTM/QLVNCH làm Trưởng phái đoàn “nhữnh anh hùng An Lộc”, sẽ mang chuông sang đấm xứ người. Hình như không cần suy nghĩ Tướng Hưng… từ chối. Ngày hôm sau chính đích thân Trung tướng Minh gọi điện thoại cho Tướng Hưng. Ông này xin Tướng Minh nên đề cử người khác vì Đại tá MVT… không xứng đáng. Đây là lần đầu tiên Tướng Hưng cãi lệnh Tướng Minh. Trong mấy ngày liền cả Thiếu tướng Đào Duy Ân, Tư lệnh phó và Đại tá Phan Huy Lương, Tham mưu trưởng HQ/QĐIII & V3CT đều gọi điến thoại cho Tướng Hưng yêu cầu nên nghe lời Trung tướng… nhưng Tướng Hưng đều từ chối. Đêm sau, Tướng Ân cũng gọi điện thoại cho tôi, vì ông mến tôi khi tôi làm việc ở Phòng 2/BTL/QĐIII & V3CT và biết tôi thân với ông Hưng, bảo tôi nên khuyên ông Hưng nên tuân theo lệnh của Trung tướng… Tư lệnh đi. Tôi vào gặp Hưng lập lại lời của Tướng Đào Duy Ân. Ông Hưng chỉ cười nói: -“Không, không được! Tại sao Trung tướng không chỉ định Đại tá Vỹ, Đại tá Lưỡng, hay Đại tá Nhật. Chỉ định Đại tá Nhật là phải nhất, địa phương này của ông ta….” Chỉ một câu này thôi, ông Hưng quay sang hỏi tôi chuyện khác… “Dưỡng, nghĩ xem tụi nó còn quân không?’’ Tôi nói –“Không, tụi nó chỉ còn pháo!”

Mà quả thật, sau khi các đơn vị phòng thủ phản công tái chiếm lại hoàn toàn các khu vực bị chúng chiếm và Liên đoàn 81/BCND cắm ngọn quốc kỳ lên ngọn đồi thấp ở sân bay Đồng Long trưa ngày 12/6 đã không còn trận chạm súng nào nữa, các đơn vị bộ chiến của TWC/MN đã rút ra khỏi mặt trận An Lộc sau khi bị thiệt hại rất nặng… gấp hai hoặc ba lần so với các đơn vị phòng thủ. Theo ước tính của riêng tôi, số quân tổn thất chúng ở các vòng đai phòng thủ An Lộc nhất là vùng ngoại vi tiếp cận thành phố có thể lên đến 8,000 người đa số chết bởi KQVH và KLHK trong hàng nghìn phi vụ không yểm: oanh kích, thả bom, kể cả B-52 của KQ Chiến lược HK. Đó là chưa kể số thương binh có thể lên đến gấp đôi hay gấp ba lần số quân chết tại trận. Tổn thất của tất cả các cánh quân của chúng trong chiến dịch mùa Hè năm đó có thể lên đến hơn 20,000, hằng trăm chiến xa, hàng trăm đại pháo và hàng vài nghìn vũ khí cộng đồng và cá nhân khác trong chiến trận Tỉnh Bình Long.

Lữ đoàn 1 Nhảy Dù rời An Lộc trong hai ngày 16/6 và 17/6 xuống Tân Khai đánh thắng trận cuối cùng ở đó, rồi về Sài Gòn. Ngày 24/6 Liên đoàn 81/BCND cũng trả về cho BTTM/QLVNCH. Các tuyến phòng thủ giao lại cho SĐ5BB và các đơn vị ĐPQ của Tiểu Khu, đã mỏng ra. Nhưng địch đâu còn quân mà đánh nhau nữa. Các đại đơn vị của chúng, bị thiệt hại nặng, rút sang đất Miên bổ sung, rồi mở các mặt trận khác như nói ở trên. Nhưng… pháo vẫn còn bắn vào thành phố nhiều ngày nữa. Đó là các loại pháo kéo trên các xe, thường xuyên di chuyển sau mỗi đợt bắn, nên khó diệt. Mỗi ngày ít ra thì cũng còn vài chục quả, muốn rớt vào đâu cũng mặc, cũng có người chết. Ai mà… chết vào những giờ phút trận chiến đã chỉ còn là nhúm lửa âm ỉ sắp tàn lụi này thì… thật là tận số. Nên ông nào… đã lạnh cẳng sẵn rồi, lúc này lại còn… ớn lạnh hơn lúc trước nữa. Ra sớm khỏi An Lộc mà… làm anh hùng sớm, hạng bậc nhất “đình huỳnh”, thì ai mà chẳng muốn ra…. Người giỏi tính như ông MVT sau khi được ăn “thịt quay bánh hỏi” dỏm xong thì tính chuyện rút ra sớm thiệt thì quả thật là… giỏi. Còn người chân chính như Tướng Hưng, không chịu nổi chuyện dỏm chuyện thật mập mờ bất phân, không biết đáp ứng… chỉ thị của thượng cấp là… bất tuân thượng lệnh. Mà chuyện cãi lệnh này có nhiều người biết nên ông Tư lệnh càng giận hơn, giận dữ…. Thôi thì không thưởng được lúc này thì thưởng lúc khác. Thôi thì chưa làm gì được nhau lần đó thì để lần khác hạ vậy. Chưa vội. Rồi cũng đến mà. Lật bật mấy tuần qua mau.

Ngày 7/7/1972, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, một vài Bộ trưởng, Đại tướng Cao văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng QLVNCH và Trung tướng Nguyễn văn Minh Tư lệnh QĐIII & V3CT vào An Lộc ủy lạo và thăng thưởng chiến sĩ phòng thủ. Tướng Hưng đã… ra lệnh cho các đơn vị quanh vòng đai phòng thủ bung ra xa hơn vì sợ bích kích pháo địch bắn gần hơn là đại pháo bắn từ xa. Tổng thống và phái đoàn đến bằng trực thăng và đáp ở bãi tạm nam xa lộ, được Tướng Lê văn Hưng và Đại tá Trần văn Nhật đón rước và mời vào cái villa phía trên hầm BTL/HQ/SĐ5BB –cái villa và chiếc hầm chưa hề trúng một quả đạn đại pháo nào trong hơn 70,000 quả đạn đại pháo CSBV dội vào thành phố từ đúng ba tháng vừa qua.

Bên trong villa đã chuẩn bị sẵn các bản đồ chờ TT hỏi để trình nhưng TT đến không hỏi mà để tuyên dương công trạng cho chiến sĩ “Bình Long Anh Dũng”, tuyên bố chiến thắng An Lộc là chiến thắng vang dội thế giới: “Bình Long là một tiêu biểu của quốc gia và là một tiêu biểu quốc tế”, đại khái Tonton nói như vậy và tuyên bố thêm là sẽ thăng cho mỗi chiến [sĩ] An Lộc một cấp bậc cao hơn…. Lúc đó các vị sĩ quan chỉ huy Nhảy Dù, BCND và BĐQ tăng phái đã rời An Lộc rồi nên các vị đó và sĩ quan chiến sĩ thuộc cấp sau đó đều được thăng cấp (Đại tá Lê Quang Lưỡng thăng Chuẩn tướng và được bổ nhậm làm Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù). Vậy nên Tonton Thiệu gắn lon mới tượng trưng cho một số sĩ quan của SĐ5BB và Tiểu Khu Bình Long. Chỉ thưởng một ít huy chương cho mấy vị thôi.

Tướng Hưng đứng đầu hàng được TT đọc lệnh thăng cấp Chuẩn tướng thực thụ và được gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Đại tá Trần văn Nhật thăng Đại tá thực thụ và được gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm ADBT với Nhành Dương Liễu. Đại tá Mạch văn Trường thăng cấp Đại tá thực thụ, vừa đọc quyết định xong… TT Thiệu định bước sang gắn cấp bậc mới cho Trung tá Lý Đức Quân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 đứng kế tiếp… bỗng thấy Trung tướng Minh bước tới… vừa thưa trình vừa dúi vào tay TT một cái huy chương vàng nhạt lẫn màu xanh đọt chuối, có vòng vải quốc kỳ (để đeo vào cổ) tức là Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và một cuống huy chương khác là Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu… “Xin TT gắn cho Đại tá Trường Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và…” TT Thiệu ngắt lời: -“Ông Trường có Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương chưa?” Trả lời: -“Dạ có… Tôi đã đề nghị rồi… Sắp được!” TT Thiệu ngần ngừ… nhưng bước tới tròng chiếc huy chương cao quí đó vào cổ cho MVT, rồi gắn thêm cái ADBT với Nhành Dương Liễu lên ngực ông này. Đẹp quá! Đẹp hết chỗ nào chê.… Sau đó TT gắn lon Đại tá cho Trung tá Lý Đức Quân và Trung tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng phòng 3 Sư đoàn. Kế tiếp gắn cấp bậc Trung tá cho tôi và Thiếu tá Huỳnh văn Tâm, Trung đoàn phó Trung đoàn 8 -người thực sự chỉ huy Trung đoàn này suốt trận An Lộc. Thêm vài SQ, HSQ và BS nữa được mang cấp bậc mới.

Sau buổi lễ, TT và đoàn tùy tùng được Tướng Hưng và các ông Đại tá hướng dẫn đi thăm viếng các nơi khác trong thành phố An Lộc. TT Thiệu và phái đoàn viếng An Lộc chừng hơn 2 tiếng đồng hồ mới ra về. Không nghe tiếng pháo nào nổ quanh đâu đó như mọi ngày trước. Âu là Tonton có chân mạng… đế vương đó thôi. Sướng cũng nhiều mà khổ cũng lắm. Nên sau này sang lưu vong ở Hoa Kỳ không nói hay viết hồi ký về bất cứ điều gì. Im lặng là vàng.

Trong lần thăng thưởng đó đã… thấy rõ sự bất công: Đại tá hiện dịch thực thụ Lê Nguyên Vỹ không thấy hiện diện trong lễ tưởng thưởng này, không thấy thăng chuẩn tướng, không biết sau đó có được tặng Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc huân Chương hay không? Mãi đến gần hai năm sau khi Trung tướng Phạm Quốc Thuần về làm Tư lệnh QĐIII & V3CT, Đại tá LNV mới được đề bạt làm Tư lệnh SĐ5BB thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch. Một vị nữa, người có công trạng nhiều nhất ở An Lộc là Đại tá thực thụ Bùi Đức Điềm, như tôi đã nói, bị bỏ quên như một gốc cổ thụ già ở đâu đó trong các khu rừng Bình Long: không thăng cấp tướng, không một chiếc huy chương… mãi cho đến khi mất miền Nam.

Một sự kiện buồn đáng nêu lên là chỉ mấy ngày sau khi TT Thiệu rời An Lộc, ngày 9/7/1972, Tướng Richard J. Tallman, Tư lệnh phó TRAC (Third Region Assistance Command –Bộ Tư lệnh Viện Trợ Vùng 3, Hoa Kỳ) cùng mấy sĩ quan tham mưu và tùy viên của ông, bay trực thăng vào thăm An Lộc, đáp xuống sân bay trực thăng Tiểu khu, bị pháo, trái thứ nhất thoát, nhưng trái thứ hai trúng vào giữa toán của ông đang chạy vào BCH/TK, ba sĩ quan của TRAC chết liền tại chỗ, Tướng Tallman được tản thương về Bệnh viện 3 Dã Chiến HK –3rd Field Hospital Sài Gòn– mổ vết thương. Thương tích quá nặng ca mổ không thành công, ông từ trần ngay khi mổ, ngày đó. Trong chiến cuộc Bình Long, từ Lộc Ninh, đến An Lộc và vùng chốt chặn Tàu Ô-Tân Khai, có nhiều sĩ quan cố vấn HK của các đơn vị hy sinh hay mất tích. Tôi không biết rõ là bao nhiêu vị. Chúng tôi, những chiến sĩ của An Lộc-Bình Long xin tri ân và chia buồn cùng gia đình của các vị. Xin cám ơn tất cả các chiến sĩ KLHK [Không Lực Hoa Kỳ] và các đơn vị khác đã cứu giúp chúng tôi trong cuộc chiến này.

Ngày 11/7/1972, SĐ18BB do Đại tá Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn chỉ huy, đổ quân bằng trực thăng vào An Lộc thay thế SĐ5BB rút toàn bộ về căn cứ chính Lai Khê. SĐ25BB được lệnh đến Chơn Thành thay thế cho SĐ21BB ngày 15/7/1972 để tiếp tục giải tỏa QL-13, bứng các chốt chặn từ suối Tàu-Ô lên Tân Khai. Tính ra thì sự tổn thất của SĐ21BB của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi còn nặng hơn của SĐ5BB nhưng công trạng rất lớn vì suốt ba tháng đã kềm chế được SĐ-7/CSBV không để cho Sư đoàn này tiến lên An Lộc hợp lực với các đại đơn vị CSBV dứt điểm thành phố đó. Chúng chắc chắn bị thiệt hại nặng hơn, số cán binh của chúng bị hạ không dưới 7,000 người. Sau khi về miền Tây, Tướng Nghi thăng thêm một sao và được bổ nhậm Tư lệnh QĐIV & V4CT.

Tôi về Lai Khê với nỗi buồn ray rức. Tôi thăng cấp trung tá nhiệm chức đặc cách mặt trận ngày 7/7/1972 sau hơn 5 năm mang cấp bậc thiếu tá từ 19/6/1967 –ba năm nhiệm chức, hai năm thực thụ– đó là phần thưởng cuối cùng trong binh nghiệp của tôi. Một năm sau mới được điểu chỉnh trung tá thực thụ. Nỗi buồn không rõ nguồn cơn. Có thể vì tôi đã nhìn thấy lửa bỏng chiến trường lần này mới thực sự là chiến tranh, chết chóc, máu thịt đầm đìa bừa bãi ở trận địa và những nấm mồ tập thể của người dân thường vô tội. Tôi đã nhìn thấy sự chịu đựng của chiến sĩ với những hình ảnh hy sinh cao cả và cả… những hình ảnh bẩn thỉu nhất trong quân ngũ.

Vâng, QLVNCH bất khuất, tôi thương yêu quân đội này như yêu chính bản thân tôi, hơn tất cả mọi thứ khác trên đời. Và vì tình yêu đó, sau này khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi bỏ tất cả mọi thứ, vào trường đi học hỏi lại, và mong mỏi làm cho được cái công việc mà tôi gọi là “lật đất”, thực ra là tìm tòi tài liệu để tìm hiểu sự thực, để binh vực cho màu cờ sắc áo của chúng tôi; tôi đã thực hiện sở nguyện viết lại cuộc chiến đó bằng Anh ngữ –một quyển sách chỉ vài trăm trang nhưng tạm gọi là đầy đủ– để trả lời những người đã bôi biếm chúng tôi (xin xem mạng Google để đọc một vài Chương của quyển sách “The Tragedy of the Vietnam War”, McFarland, 2008 Van Nguyen Duong và bài thơ “Lật Đất” đính kèm). Nhưng, những “sự thực” thì một người muốn “lật đất”, không thể giấu giếm mãi, đến ngày nay tôi phải nói ra để mong đem lại sự phán đoán công bằng cho cố nhân.

Hình như Tướng Hưng cũng mang vẻ trầm tư hơn trong nét mặt của ông sau khi từ chiến trường An Lộc trở về. Có lẽ ông đã thấm thía hơn và suy nghĩ nhiều về câu nói “nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Ông có muốn như thế đâu. Phận làm tướng, là cấp chỉ huy chiến sĩ đánh nhau ở chiến trường, cái lẽ sống chết, thành bại, cũng là… đương nhiên thôi. Đâu có cấp chỉ huy nào muốn cho binh sĩ dưới quyền mình bị hy sinh quá nhiều đâu! Tôi biết trường hợp mất quân… quá lớn ở Lộc Ninh làm cho ông suy nghĩ nhiều nhất. Có lẽ ông cũng mang thứ mặc cảm “đã phụ lòng thầy”. Quả thực ông có phụ lòng Tướng Minh đâu! Tướng Minh đã nâng đỡ ông từ cấp Trung úy lên cấp Tướng, như ông từng nói với tôi. Ông rất muốn lấy sự “sống chết” ở chiến trường để tạ ơn người thầy đã đỡ đầu cho ông. Nhưng tôi cũng biết ông Hưng đã từng tạo chiến công hãn mã… đem đến sự thăng tiến binh nghiệp của chính ông và cả… cho Tướng Minh nữa trong bao nhiêu năm trời. Còn quyết định của ông ở chiến trường An Lộc, dù không hợp với Tướng Minh, nhưng cũng cứu nguy được An Lộc trong những giờ phút nguy ngập nhất. Tướng Minh cũng đã đem hết tài năng của mình điều binh khiển tướng mà cứu Tướng Hưng. Có lần, sau Trận An Lộc, ông và tôi ăn cơm với nhau… trên một nhà hàng khá thanh tịnh ở Sài Gòn, ông hỏi tôi: -“Dưỡng có thích đọc sách triết hay không? Có theo một tôn giáo nào hay hành xử theo một đạo lý nào không?” Tôi trả lời: -“Không, tôi ghét triết học, tôi không thích được thuyết giảng, tôi không thích ai nói cho tôi nghe về “morale”. Tôi dốt.” Hưng nói: -“Tôi cũng vậy. Nhưng có lắm điều làm cho mình suy nghĩ về đạo lý ở đời… và về sự sống chết…”

Tôi suy nghĩ và hiểu rằng ông Hưng không hẳn chỉ là một tướng lãnh chỉ biết đánh nhau. Ông ta có suy tư hơn là những kẻ có uy quyền chỉ biết hưởng thụ, coi thường sinh mạng chiến sĩ thuộc cấp. Ông hành xử theo lẽ phải, tôn trọng lẽ phải…. Ông có một khối óc mẫn đạt, sáng suốt với những ý nghĩ chính chắn trong sạch và một trái tim đỏ thắm tình yêu chiến sĩ, yêu mầu cờ sắc áo, và yêu nước cao cả. Chính những người như ông mới dám cầm súng mà bắn vào óc hay vào tim mình để tự hủy diệt những gì tốt đẹp ở trong các thứ quí báu của con người đó trước khi những kẻ khác muốn hủy diệt nó. Tôi biết rõ ở An Lộc ông đã từng câm nín… để nhận chịu sự bất công của bậc mà ông vẫn tôn kính là thầy mà ông từng muốn đem sinh mạng để đền đáp nghĩa ân. Sao người ta nỡ hủy diệt hay tạo ảnh hưởng hủy diệt uy tín của một người cao thượng và trung chính như vậy… hở? Mãi đến ngày nay ông
đã tuẫn tiết hơn ba mươi năm rồi mà chiến dịch ngầm phá hoại uy tín ông vẫn còn ảnh hưởng ở một số người, hiện sống ở hải ngoại, kể cả những chiến hữu ngày xưa của ông. Trời ơi, tôi hiểu ông và thương ông lắm! Tôi không tin rằng có một người nào hiểu Hưng hơn tôi, kể cả những người ông yêu thương nhất. Tôi thành thực xin lỗi khi viết những dòng chữ này.

Tôi suy nghĩ… hay chỉ vì một quyết định vô cùng ngay thẳng, theo lẽ phải, từ chối không cho Đại tá MVT về Lai Khê làm trưởng phái đoàn “Bình Long Anh Dũng” mà Tướng Minh cho Hưng bị người ta cho là người “phản thầy” hay sao? Hay đó chỉ là giọt nước làm tràn miệng bát vì uy danh “tử thủ” của Tướng Hưng trong trận An Lộc đã lan xa trong nước? Tiếng “phản bội” cũng do chính Tướng Minh nói với tôi trước mặt Đại tá MVT. Hiện nay ông MVT đang sống ở California. Hai vị tướng đã thành người thiên cổ. Tôi xin lập lại sự thực vì người sống vẫn còn đó, như trách nhiệm của một người muốn “lật đất”….

Chỉ chừng một tuần, sau khi từ An Lộc về Lai Khê, được Tướng Minh cho người điện thoại bảo tôi về Biên Hòa dùng cơm trưa với ông. Tôi ngạc nhiên nhưng tuân lời, tôi không nhớ rõ ngày, chỉ nhớ buổi trưa đó tôi đến tư dinh Tướng Minh ở bờ sông Biên Hòa và được hướng dẫn lên chiếc trailer của tư lệnh. Vào trailer thì thấy Trung tướng đã có ở đó, bên cạnh chỉ có Đại tá MVT. Tôi chào Trung tướng và được ngồi vào bàn cơm. Suốt buổi cơm Tướng Minh nói cười vui vẻ với ông MVT và tôi. Nhưng khi ông tướng ăn cơm xong, uống cà phê, hút thuốc và nghiêm nghị hỏi tôi có biết vì sao gọi tôi về ăn cơm trưa buổi đó: -“Dưỡng từng làm việc với tôi, chắc biết tánh tôi. Tôi rất ghét những người phản bội. Về nói với Hưng, đừng phản thầy. Tôi đã từng cứu Hưng không chỉ lần này ở An Lộc mà rất nhiều lần trước ở SĐ21BB. Tôi đã từng tin tưởng Hưng và nâng Hưng từ một Đại úy lên cấp tướng. Sao lại trở mặt với tôi!” Tôi nghe xong, chết điếng trong lòng. Chỉ ngồi im lặng. Ông MVT cũng không thốt một lời nào…. Buổi cơm tàn, tôi lên trưc thăng trở về Lai Khê. Suy nghĩ mãi, mấy ngày sau, tôi gặp Tướng Hưng ở văn phòng của ông. Tôi lập lại từng lời của Trung tướng cho ông Hưng nghe. Tướng Hưng chỉ cười nhẹ. Một nụ cười gượng, buồn bã, nhưng không nói gì. Từ đó về sau, trong ánh mắt, Tướng Hưng nhìn tôi như nói lên sự thương mến tôi nhiều hơn thời gian trước. Ông đã rõ lòng dạ tôi từ ngày ở An Lộc, tôi từ chối không về Lai Khê, mà ở lại cùng ông giúp ông đánh nhau với quân CSBV. Ông có cho tôi một đặc ân nào đâu. Chỉ có tấm lòng… chân thật với nhau. Không lâu sau đó, Tướng Hưng được lệnh bàn giao SĐ5BB cho Đại tá Nhảy Dù Trần Quốc Lịch, về Biên Hòa làm Phụ tá Hành quân cho Tướng Minh. Và cũng… không lâu sau đó, tôi nghe nhiều người châm biếm về đôi mắt “hay nheo” của Tướng Hưng và bình luận rằng vì ở An Lộc ông Hưng không hề rời hầm hành quân, ở mãi trong bóng tối nên sợ ánh sáng mà… nheo mắt. Tôi đã nói Hưng hay nheo mắt từ khi còn là SVSQ mà…. Hơn thế nữa, người ta đem những điều đó mà ngầm trình báo lên các giới chức lãnh đạo cao cấp…. Cao cấp nhất của Chính phủ và QLVNCH. Chê ông Hưng thiếu khả năng nên thua lớn ở Lộc Ninh…. Khi ông về Quân đoàn III & V3CT, tôi biết ông Hưng sẽ dừng lại ở ngôi sao của ông….

Trước khi Đại tá Trần Quốc Lịch về thay thế Tướng Lê văn Hưng, Đại tá MVT được bổ nhậm chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tỉnh Long Khánh. Tôi vẫn ở lại làm việc với Đại tá TQL, ở chức vụ cũ. Còn các Đại tá Lê Nguyên Vỹ và Bùi Đức Điềm thuyên chuyển về đâu, tôi không nhớ. Phụ tá Hành quân QĐIII & V3CT là chức vụ của Đại tá LNV khi ông… bắn xe tank ở An Lộc và mỗi đêm nằm ngủ trên chiếc ghế bố dã chiến trong hầm BTL/HQ cạnh anh Trịnh Đình Đăng và tôi trong hơn ba tháng….

Một ngày khác, sau buổi cơm ở trailer Biên Hòa với Trung tướng Minh và Đại tá MVT, tôi tiếp một sĩ quan báo chí quân đội tại Lai khê. Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh, Trưởng Phòng Báo Chí Cục Tâm Lý Chiến của Tổng cục Chiến tranh Chính trị QLVNCH, lên Lai Khê vào Phòng 3 BTL/SĐ5BB hỏi Đại tá Trịnh Đình Đăng xin bản sao Nhật ký Hành quân của Sư đoàn ở An Lộc để viết Hồi ký… cho Tướng Minh. Ông Đăng chỉ cho Trung tá NĐT sang gặp tôi, vì Phòng 3/HQ của ông có 6 sĩ quan bị một hoả tiễn 122 ly rơi trúng khi đang ăn cơm, tất cả đều… hy sinh, nên không ai ghi Nhật ký Hành quân của Sư đoàn và giữ các tài liệu này, mà chỉ có ông Đăng, tôi và hai ông Đại úy Dương Tấn Triệu và Nguyễn Chí Cường của Phòng 2/BTL/HQ của tôi ghi chép khá chi tiết (sau trận An Lộc, đều thăng cấp Thiếu tá, vẫn làm việc với tôi) nên toàn bộ tài liệu đó tôi đã cho đánh máy lại và do tôi cất giữ lúc đó. Sơ sót của tài liệu là không ghi phối trí của các đơn vị bạn ở An Lộc và chi tiết về các phi xuất yểm trợ của KQVN và KLHK vì hai ông này chỉ là nhân viên tình báo tác chiến. Khi ông NĐT nói rõ mục đích xin bản sao tài liệu nói trên, tôi từ chối và nóí vớí Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh một câu mà đến nay tôi vẫn còn nhớ rõ ràng: -“Nếu anh Thịnh xin các tài liệu này cho Phòng Báo Chí, Cục TLC, tôi xin đưa ngay, nhưng nếu để viết Hổi ký… riêng cho Trung tướng Tư lệnh… xin miễn chấp, tôi từ chối.” Trung tá NĐT ra về không nói gì. Tôi biết làm như vậy đường hoạn lộ của tôi sẽ bị tắt nghẽn, không thăng tiến được nữa.

Sau đó vài ngày tôi mang một bản sao tài liệu Nhật ký Hành quân này về Khối Quân sử /BTTM định trao cho Đại tá Phạm văn Sơn làm tài liệu nhưng hình như Đại tá PVS đã không còn giữ chức vụ Trưởng Khối Quân sử nữa hoặc đi đâu vắng. Tôi trao tài liệu cho một sĩ quan cấp tá ở đó. Sau này tôi được biết phần sử viết về trận chiến Bình Long–An Lộc là do Trung tá Lê văn Dương, tân Trưởng Khối Quân Sử/P5/BTTM chủ biên với các vị phụ tá, Thiếu tá Lê văn Bân và Đại úy Tạ Chí Đại Trường. Thỉnh thoảng có trích một đoạn trong bản Nhật ký Hành quân của SĐ5BB do các Đại úy Triệu và Cường của Phòng 2/HQ ghi trong thời gian đang hành quân ở An Lộc .

Thời gian thấm thoát qua mau. Sau này, Trung tá Nguyễn Đạt Thịnh và tôi cùng định cư ở thành phố Honolulu, thỉnh thoảng gặp nhau chỉ cười chào hỏi nhau, ít nói năng thù tạc. Hiện nay, tôi được biết ông ở Texas, làm báo. Không biết ông NĐT có nhớ chuyện cũ không? Không nhớ thì tốt hơn.

PHẦN KẾT: VỀ MIỀN TÂY, VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG .

Tháng 8 hay 9, năm 1974, tôi không nhớ rõ, Đại tá Lê Nguyên Vỹ được bổ nhậm vào chức vụ Tư lệnh SĐ5BB thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch thuyên chuyển về làm Chánh Thanh tra Quân đoàn IV & V4CT. Đại tá LNV có cơ hội này là vì Trung tướng Phạm Quốc Thuần đã thay thế Trung tướng Nguyễn văn Minh ở chức vụ Tư lệnh QĐIII & V3CT. Tướng PQT trước là Tư lệnh SĐ5BB, khi đó ông LNV là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 8. Tôi biết đã đến lúc nên xin trở lại Phòng 2/BTTM, vì từ đó tôi thuyển chuyển ra SĐ22BB đầu năm 1969, rồi về Phòng 2 BTL/QĐIII &V3CT và SĐ5BB. Đã hơn 5 năm rồi. Gian truân cũng lắm, hứng đạn pháo cũng nhiều. Tôi xin trở về Phòng 2/BTTM và được chấp thuận.

Đến cuối năm 1974, Phòng 2/BTTM nhận thấy tình hình bất ổn càng ngày càng trầm trọng từ sau ngày “Hiệp ước Đình Chiến Paris tháng Giêng-1973”, được thi hành mà hầu hết các điều khoản đều cho thấy rõ rệt thực chất của một bản hiệp… đầu hàng này của Nixon và Kissinger trước CSBV mà hầu hết các nhà chính trị hiểu biết thế giới đều gọi như vậy… nên QLVNCH đã đánh giặc một mình theo lối nhà nghèo như TT Nguyễn văn Thiệu nói. Tình trạng càng ngày càng nguy cấp thêm và người chiến sĩ miền Nam đã xả thân đánh giặc với vũ khí, chiến cụ, trang bị cũ kỹ và số đạn dược quá ít oi còn lại… ở tất cả các binh chủng Hải, Lục, Không quân trong các Vùng Chiến Thuật. Đại lược, với hiệp ước đầu hàng này, HK không phải “rút ra khỏi Nam VN trong danh dự” mà mà ngược lại vì… khi ký hiệp ước trên Kissinger biết mình đã chịu thua Lê Đức Thọ của BV rồi. Theo đó thì Hoa Kỳ phải rút toàn bộ quân tác chiến ra khỏi Nam Việt Nam trong những ngày giờ ấn định, kể cả toàn bộ cố vấn trong mọi cơ quan và đơn vị của QLVNCH, chỉ để lại một số chuyên viên kỹ thuật và nhân viên tòa Đại sứ và các Lãnh sự quán. Bộ Tư lệnh Viên trợ MACV to lớn giải thể, gom lại thành một tổ chức nhỏ gọi là D.A.O., hay DAO (Defense Attaché Office hay là Phòng Tùy Biên Quốc Phòng, do một tướng hai sao HK chỉ huy phụ trách liên lạc và yểm trợ BTTM/QLVNCH).

Ở các Vùng Chiến Thuật các tổ chức viện trợ và yểm trợ quân sự lớn trong hệ thống của MACV như FRAC, SRAC, TRAC và DRAC (First Regional Assistance Commmand, Second Regional Assistance Command, Third Regional Assistance Command & Delta Regional Assistance Command; HK gọi Vùng 4 CT là Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long) cũng giải thể. Mọi hoạt động yểm trợ cũng gom về tòa Lãnh sự ở thủ phủ của các Vùng Chiến Thuật.

Toàn thể đạo quân rất lớn của CS Bắc Việt từ trước đánh phá trong lãnh thổ miền Nam vẫn được Nixon–Kissinger chịu để cho trú đóng các vùng chúng chiếm được ở miền Nam; dĩ nhiên kể cả lãnh thổ Lào và Kampuchia…. Chính thức, HK ước tính –cố ý hạn chế đến mức thấp vừa phải để ép buộc TT Nguyễn văn Thiệu của Nam VN chấp nhận ký hiệp ước– là chừng 150,000 quân tác chiến CSBV ở lại miền Nam. Nhưng trên thực tế phải trên 250,000 người vì những đơn vị tác chiến, hậu cần và công binh ở Lào, Miên đang hoạt động ráo riết trên đường mòn Hồ Chí Minh, lúc đó đã trở thành Đại Lộ Sullivan (xin xem “The Tragedy of the Vietnam War” để biết rõ chi tiết về các việc đề cập trên và chi tiết về Chiến Tranh VN trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và xã hội trước, trong và sau khi chiến tranh kết thúc). Với hiệp ước đó, KLHK đã chấm dứt mọi hoạt động trên hệ thống tiếp vận khổng lồ này, kể cả không thám, không kích bằng các loại bom CBU hay B-52. Do đó, chẳng những CSBV tu bổ rộng lớn Đường Trường Sơn Tây bên kia đãy dãy Trường Sơn trong lãnh thổ Lào và Miên, mà chúng còn mở thêm con đường mới bằng cách mở rộng QL-14 từ phía tây Cam Lộ, Quảng Trị vào tận Đôn Luân, Tỉnh Phước Long… sau khi chúng đã đánh chiếm xong tỉnh này trong tháng 1/1974. Chúng gọi con đường mới kiến thiết này là Đường Trường Sơn Đông. Trong khi chúng sử dụng hàng nghìn chuyến xe Molotova đêm ngày vận chuyển tự do trên Đường Trường Sơn Tây đưa hàng nghìn tấn vũ khí, quân dụng và đạn dược vào miền Nam để chuẩn bị một chiến dịch lớn nhất “giải phóng” toàn bộ miền Nam thì Đường Trường Sơn Đông sau này dẫn đến trận chiến Ban Mê Thuột, từ đó… TT Thiệu quyết định bỏ Cao Nguyên miền Trung mà gây thảm họa cho miền Nam sớm hơn là Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản VN dự phóng. Nhưng thảm họa sẽ không thể có nếu HK không thực sự muốn bỏ rơi Nam Việt Nam mà với các điều khoản khác trong Hiệp ước Paris tháng Giêng, 1973 cũng nói rõ ràng. Đó là các điều khoản HK phải thu vét lại hệ thống mìn phong tỏa Cảng Hải Phòng mà Hải Quân Hoa Kỳ đã thiết lập phong tỏa Cảng này trong cuối năm 1972, theo lệnh TT Nixon… cùng một lúc với lệnh không tập dữ dội… Bắc Việt, bất kể Hà Nội, Hải Phòng và các tuyến đường xe lửa vận chuyển vũ khí, thiết bị chiến tranh nặng, của Trung Cộng tiếp tế cho quân CSBV từ biên giới Trung Quốc vào Yên Bái và Việt Trì… để trả đũa chiến dịch mùa Hè năm 1972 của CSBV tấn công miển Nam.

Điều khoản giải tỏa Vịnh Bắc Việt và Cảng Hải Phòng có nghĩa là chấp thuận để cho CSBV tái tiếp nhận hàng trăm tấn trang thiết bị chiến tranh… tank, đại bác, các loại vũ khí tối tân nhất và đạn dược Liên xô, do hai hạm đội gồm 150 chiếc tàu vận tải loại lớn từ hai quân cảng Odessy và Vladivostok thay phiên nhau cập bến cảng Hải Phòng hàng ngày… cũng như điều khoản “không được tái tấn công quân sự vào Bắc Việt, Lào và Kampuchia bằng bộ binh, không quân hay hải quân”… nên hai tuyến xe lửa từ Trung Quốc sang Hà Nội càng hoạt động liên tục hơn, không còn hạn chế tiếp vận thiết bị chiến tranh của Cộng Sản Trung Quốc cho Bắc Việt. CSBV tái tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí đạn dược tiếp viện từ kẻ thù phương Bắc. Cùng với việc tổng động viên thanh niên từ 16 tuổi trở lên và với khối thiết bị chiến tranh khổng lồ nhận được liên tục, Quân đội Nhân Dân CSBV trở thành một quân đội mạnh vào hàng thứ tư thế giới, chỉ sau hai nước Công Sản quan-thầy nói trên và Hoa Kỳ. Trong khi đó thì QLVNCH chỉ… được một điều khoản khác của Hiệp ước đó cho phép thay thế “một đổi một”, nghĩa là HK sẽ thay thế một một chiến xa, một khẩu đại bác hay các loại súng khác hư không xài được… bằng một chiếc hay một khẩu khác. Cho nên tại chiến trường chiến sĩ QLVNCH đã chịu đựng trăm bề… bất lợi, thua thiệt. Đạn đại bác lúc trước bắn không hạn chế, sau Hiệp ước Paris-1973, một khẩu đại bác 155 ly hay 105 ly chỉ được phép bắn 3 quả đạn mỗi ngày và sau cùng chỉ 1 quả mỗi ngày…. Còn quân CSBV thì sao? Chúng xài thả ga… vì các quan thầy của chúng cho phép mà. Thêm nữa, và quan trọng hơn là Viện trợ Quân sự cho QLVNCH đã bị HK cắt giảm quá mức so với các năm trước. Chiến tranh sau hiệp ước đầu hàng của Hoa Kỳ này càng gia tăng dữ dội hơn ở Nam VN. Chúng sử dụng vũ khí tối tân hơn, đại dược nhiều hơn và chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh nhiều hơn… nhất là ở vùng hỏa tuyến và dọc theo biên giới VN với Lào, Miên.

Trước hoàn cành đó, nhất là sau khi quân CSBV chiếm được Tỉnh Phước Long trong tháng 1/1/1974, vi phạm trầm trọng Hiệp ước Paris-1/1973 và Hoa Kỳ làm ngơ, mặc dù Chính phủ Ford đề nghị Quốc Hội HK cấp cho QLVNCH ngân khoản viện trợ đặc biệt 300 triệu Mỹ Kim cũng bị… từ chối sau cả năm bàn cãi. Các tháng cuối của năm 1974 CSBV định cắt đôi Nam VN ở phía nam Đà Nẵng với việc đánh chiếm các Quận Nông Sơn, Đức Dục và Thường Đức, Tỉnh Quảng Nam, và định tiến ra đánh chiếm Hội An thì bị chận đứng ở phía tây Quận Đại Lộc. Sư đoàn Nhảy Dù của Tướng Lê Quang Lưỡng được Tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh QĐI & V1CT rút từ Quảng Trị vào đã đánh nhau dữ dội với các Sư đoàn 304 và 308 CSBV ở vùng núi phía bắc Thường Đức, nhất là ở vùng đồi 1062, từ tháng 8 đến tháng 12, năm 1974, mà Washington tiếp tục làm ngơ. TT Nguyễn văn Thiệu và Chính phủ của ông biết rõ hơn HK đã bỏ rơi miền Nam. Phòng 2/BTTM/QLVNCH cũng đã nhiều lần báo cáo những âm mưu chiến lược của CSBV là sẽ có trận Tổng Công Kích của quân CSVN trong mùa Xuân năm 1975…. Hai sĩ quan cấp bậc đại tá được Đại tá Hoàng Ngọc Lung, Trưởng Phòng 2/ BTTM đưa đến QĐI & V1CT và QĐII & V2CT đặt cạnh Phòng 2 BTL của các vùng chiến thuật này, để làm sĩ quan liên lạc. Riêng tôi, lúc ấy đang biệt phái cho một đoàn tình báo thuộc Đơn vị 101, được đưa làm sĩ quan liên lạc của Phòng 2 BTTM cạnh Phòng 2 BTL/QĐIV & V4CT. Nhiệm vụ của các sĩ quan liên lạc Phòng 2/BTTM là giúp theo dõi và chuyển tin tức chiến sự, địch tình, từ vùng này sang vùng khác, từ địa phương về trung ương và ngược lại.

Lúc đó, Tướng Lê văn Hưng đã được Tướng Nguyễn Khoa Nam đưa về làm Tư lệnh phó QĐIV & V4CT. Trước đó, Tướng Hưng khi đang làm Phụ tá Hành quân cho Tướng Nguyễn văn Minh ở QĐIII & V3CT khoảng tháng 7 hay 8/1972, Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được bổ nhậm làm Tư lệnh QĐIV & V4CT (thay thế Trung tướng Ngô Quang Trưởng ra Đà Nẵng nắm quyền Tư lệnh QĐI & V1CT thế Trung tướng Hoàng Xuân Lãm để mở cuộc phản công tái chiếm Quảng Trị sau trận Mùa Hè năm đó) đã đề nghị đưa ông về làm Tư lệnh SĐ21BB. Khi Tướng Nguyễn Khoa Nam về thế Tướng Nghi, đưa Tướng Hưng lên Cần Thơ làm Tư lệnh phó, trở thành nhân vật quân sự thứ nhì ở miền Tây, tức là cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong âm thầm tôi biết rằng Tướng Hưng được hai Tướng Nghi và Nam hiểu tài, quí trọng, nhưng chiến dịch bôi biếm ông ta trước đó, đã được đưa trình đến những cấp lãnh đạo cao hơn cấp tư lệnh quân đoàn và vùng chiến thuật từ lâu rồi….

Khi đến Cần Thơ sau khi gặp Trưởng Phòng 2 BTL/QĐIV & V4CT tôi đến văn phòng Tư lệnh phó, trình diện Tướng Hưng. Ông bắt tay mừng rỡ và hỏi tôi xuống Cần Thơ làm gì…. Tôi nói nhiệm vụ mới của tôi. Ông hỏi tôi… ở đâu? Tôi trả lời: -“Xin nhờ anh lo cho…” Ông nói: -“Đến ở nhà tôi.” Tôi chỉ có cái rương sắt màu xanh từ thuở học trò, đựng mấy bộ quân phục, thường phục và mấy quyển sách, thêm một cặp vợt tennis. Từ cuối năm 1974, tôi ở trong tư dinh của Tướng Hưng, Chị Hoàng phu nhân của Hưng lại… đãi cơm cho tôi hằng ngày. Trên bàn cơm chỉ có hai vợ chồng ông và tôi. Việc làm không có gì, sáng chiều vào Phòng 2 gọi hotline về Phòng 2/BTTM/QLVNCH hỏi tin tức quan trọng ở các vùng chiến thuật khác trình Tướng Hưng. Chiến sự có gia tăng ở khắp nơi, nhưng nhiệm vụ của tôi chỉ có vậy. Khi nào cần thiết lắm và nếu Tướng Hưng muốn biết những tin tức quan trọng ban đêm, tôi dùng hotline trong phòng hành quân ở tư dinh Tướng Hưng hỏi Sài Gòn. Miền Tây tình hình yên ả hơn, nên tôi vẫn có thì giờ đánh tennis đôi ba buổi chiều trong tuần. Ngày Chúa Nhật thường xoa mạt chược ở nhà ông chánh án Đỗ Nam Kỳ, mà tôi quen biết được ở sân Tennis Ngọc Lợi. Ông chánh án Cần Thơ người Bắc nhưng tên… Nam. Những ngày như vậy, không ăn cơm, thì nhờ Trung úy Tùng hoặc Trung úy Anh, các sĩ quan tùy viên của Tướng Hưng, thưa lại với chị Hoàng. Ông bà Hưng có hai con, một trai chừng 6 tuổi và một gái 2 tuổi, bà ngoại các bé lo chăm sóc, phụ với Chị Hoàng.

Ông Hưng để tôi hoàn toàn tự do. Ăn, ở, hay đi chơi đâu đó mặc ý, không bao giờ hỏi. Khi nào buổi chiều ăn cơm ở… nhà, trời sập tối sau khi cơm nước xong, ông và tôi thường ra trước nhà, ngồi nhìn qua bên kia đường là một công viên trống trơn hình tam giác khá dài, mũi nhọn hướng về “bến bắc” Cần Thơ. Những buổi đó thường nói chuyện chiến sự… lẫn tình người. Những câu hỏi và câu trả lời đều ngắn gọn như lối đối thoại giữa ông và tôi. Nhưng mỗi câu đều có ý nghĩa nào đó, mang nhiều suy tư vì thường không có những giải đáp rõ ràng. Thí dụ như, hỏi: -“Sao tụi nó đánh Thường Đức, Đại Lộc? Định cắt đôi miền Nam, cô lập Đà Nẵng hả?” Trả lời: -“Không! Không hẳn! Nếu nó chiếm Hội An, mình sẽ mất Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị. Nếu Mỹ nín… tụi nó đánh bứt luôn QL-19.” Hỏi: -“Rồi sao?..” Trả lời: -“Đánh hết phía bắc Nha Trang, đưa CPLTMNVN vào lãnh thổ chiếm được, lập… nước… trái độn trung lập.” Tiếp: -“Nhưng Tướng Lưỡng đánh tụi nó lui rồi…” Trả lời: -“Thì thôi. Mai mốt đánh nữa! Nhưng không có ông Trưởng, ông Lưỡng đánh giỏi, mình mất miền Trung thì… đỡ cho miền Nam hơn!” Câu hỏi cuối: -“Sao vậy?… Không có câu trả lời… Than: -“Mình không thiếu người tài, anh hùng!..”

Tướng Hưng nói câu này tất nhiên là ông thừa nhận tài dùng binh của Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh QĐI & V1CT và Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù, đã cứu nguy cho ông và giúp ông giữ An Lộc. Nhưng ông có biết ông cũng là một trong những người tài, anh hùng đó không?

Cũng tại tư dinh Tướng Hưng, một buổi tối tôi gặp lại Đại tá Mạch văn Trường. Tướng Hưng mời ông MVT ăn cơm tối, mừng ông này vừa được bổ nhậm chức vụ Tư lệnh SĐ21BB. Từ khi xuống Cần Thơ, tôi được biết nhiều hơn về ông này vì… “tiếng tốt đồn xa… tiếng xấu… đồn xa.” Người ta nói rằng Đại tá MVT, khi làm Tỉnh trưởng Long Khánh, bị Giám Sát Viện điều tra về tội tham nhũng và hối mại quyền thế, với đề nghị ngưng chức, phạt trọng cấm, cấm chỉ huy trong 5 năm và giáng cấp. Trong khi chờ đợi ra Tòa án Quân sự ông thuyên chuyển về làm Trưởng phòng Thanh tra SĐ21BB. Bỗng nhiên, cả tướng tá vùng Đồng bằng Sông Cửu Long kinh ngạc vì… lệnh từ Sài Gòn xuống phong cho ông MVT làm Tư lệnh SĐ21BB, qua mặt hàng chục đại tá kỳ cựu, kể cả Đại tá Nguyễn văn Kiểm đang là quyền Tư lệnh Sư đoàn này và Đại tá Lâm Chánh Ngôn, Tham mưu trưởng, từng là cấp chỉ huy trực tiếp của MVT. Người ta cũng nói là ông MVT đã có… vấn đề với quan thầy cũ, Tướng Nguyễn văn Minh, lúc đó đã về làm Tư lệnh Quân Khu Thủ Đô thế cho Phó Đô đốc Chung Tấn Cang trở lại làm Tư lệnh Hải Quân. Ông MVT đang có các quan thầy mới nắm quyền hạn và vận mệnh quốc gia và quân đội… nên đề nghị của Giám Sát Viện đã bị vất vào sọt rác.

Đêm đó, ở tư dinh Tướng Hưng, sau buổi cơm Ông Hưng đi nghỉ, ông MVT ở lại cùng tôi chuyện trò ở cái băng ngồi trước dinh ngó ra công viên mũi tàu, tôi chưa hỏi thì ông MVT đã nói: -“Tôi biết khi ở trường học anh là học trò giỏi nhưng vào quân đội anh trung thực quá nên không tiến xa được. Phải có ông thầy, bà cô.” Và ông tự động nói vì sao ông… chinh phục được Tướng Minh lúc trước và các ông… tướng cầm quyền lúc đó. Ông nói trong tử vi, thân và mệnh của ông “không có sao chính, nhưng ba vì sao mang chữ “không” đều đắc địa, sách nói là “thân mệnh đồng cung vô chính diện” nhưng được cách “đắc tam không” và vì vậy nên ông sẽ lên tướng không bao lâu nữa. Quả thực chỉ mấy tuần sau ông được phong tướng. Tôi khen ngợi ông là người có chí lớn và thực hiện được mộng làm tướng mà lúc trước, khi còn ở SĐ5BB, lúc nào ông cũng cầm quyển sách “Học Làm Tướng” –không rõ tác giả– trong tay mỗi khi tôi gặp ông. Tôi tin tưởng rằng nếu chế độ Cộng Hòa miền Nam còn tồn tại, chỉ vài năm sau ông MVT sẽ thăng đến cấp tướng hai ba sao hay giữ chức vụ cao trong chính phủ và quân đội –tổng trưởng hay tư lệnh quân đoàn, vùng chiến thuật. Còn Tướng Hưng và cả Tướng Lưỡng đã bị các sao lớn Tử Vi, Tham Lang và Phá Quân án mất bóng rồi. Các ông đã bị “triệt” rồi… Tướng Hưng không biết có biết hay không… nhưng Tướng Lưỡng đã biết. Sau này định cư ở HK, khi ông còn sinh tiền, tôi hân hạnh được điện đàm nhiều lần với ông, một lần ông nói rõ vì sao lúc đó ông bị bạc đãi và nghi ngờ… tuy vẫn được sử dụng vì chưa… có người thay thế. Các tướng trẻ lúc đó đang được tín cẩn là các ông Lân, Đảo, Nhật, Vỹ và Trường.

Thời điểm đó là sau khi quân CSBV vừa đánh chiếm Ban Mê Thuột, Tướng Hưng và tôi mấy đêm liền bàn về việc tại sao chúng tấn công Ban Mê Thuột và nghĩ rằng CSBV thực hiện chủ trương mà tôi đã trình bày cùng ông lần trước là chúng tấn công suốt dọc QL-19 từ Ban Mê Thuột xuống tận Ninh Hòa ra bờ duyên hải và lập CPLTMNVN thành một quốc gia trái độn từ phía bắc Nha Trang trở ra đến Bến Hải. Nhưng… hông phải. Có thể là chúng làm chưa xong con đường Trường Sơn Đông vì bị nghẽn ở Quận Đức Lập, Tỉnh Quảng Đức, làm trở ngại cho việc việc chuyển quân từ Khe Sanh vào Phước Long và Lộc Ninh là vùng tập trung gần nhất để đánh thẳng vào Sài Gòn… vì vậy chúng tấn công Ban Mê Thuột, chiếm Tỉnh Quảng Đức như đã chiếm Tỉnh Phước Long đầu năm 1974 –theo như ước tính của Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 BTL/QĐII & V2CT. Tình hình tiến triển quá nhanh làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên và bỡ ngỡ, vì những quyết định của TT Nguyễn văn Thiệu, kể cả CSBV… vì chúng dự trù sẽ giải phóng… được miền Nam ít nhất là đến năm 1977, kể cả Hoa Kỳ… vì hình như chưa đủ thời điểm… Kissinger dự trù mất miền Nam mà Hoa Kỳ không mang tiếng phản bội bỏ rơi miền Nam mà sau này một sĩ quan CIA từng làm việc ở Sài Gòn, Frank Snepp, gọi là “decent interval”, khoảng cách thích nghi. Gom lại là chuyện TT Thiệu ra lệnh bỏ Vùng 2 Chiến Thuật và Vùng 1 Chiến Thuật. Thôi thì về các quyết định này và hậu quả ra sao ai cũng biết rồi, tưởng không nên nhắc lại ở đây.

Từ ngày 20 tháng 4, 1975, Tướng Hưng muốn cho tôi về Sài Gòn tìm hiểu thực rõ ràng tình hình chính trị và quân sự sau khi Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi Tư lệnh BTL/HQ QĐIII & V3CT và Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 KQVN bị… mất tích ở Sân bay Ninh Thuận và Tướng Lê Minh Đảo đang đánh nhau dữ dội và chận đứng quân CSBV ở Long Khánh. Nhưng đường bộ bị cả mấy Sư đoàn của CSBV thuộc cánh quân 232 của Lê Đức Anh mới thành lập cắt đứt ở vùng Tân Trụ, Tỉnh Long An, từ mấy tuần trước, nên không về được. SĐ7BB không thể giải tỏa được. Chờ cả tuần liền. Cuối cùng, đêm 27/4/1975, sau buổi cơm tối, Tướng Hưng cùng tôi ngồi trước nhà nói chuyện…. Sài Gòn đã thay chủ, từ tay TT Thiệu sang Phó TT Trần văn Hương và nghe đâu sẽ chuyển sang tay Đại tướng Dương văn Minh… Ông nói ngày hôm sau, sau khi đi thăm mấy đơn vị trở về, ông sẽ cho trực thăng chỉ huy của ông đưa tôi về Sài Gòn. Ngay lúc đó ông chỉ thị Trung úy Tùng, Sĩ quan Tùy viên, mang ra hai khẩu tiểu liên Tiệp khắc do một đơn vị trưởng biếu ông ở chiến trường An Lộc. Loại súng này khi xếp lại nhỏ như khẩu súng lục, băng đạn 79 viên, bắn từng loạt hay từng phát cũng được. Ông chỉ vào một trong hai cây tiểu liên đó và nói: “Tặng Dưỡng một cây, nếu tụi VC hôm nào xuất hiện ở công viên trước nhà, tràn vào, nhớ bắn cho đến viên đạn cuối cùng. Còn tôi, tôi sẽ chừa lại… bốn viên…” Tôi hiểu ngay và cướp lời ông: -“Không! Anh chỉ… có quyền chừa lại… một viên thôi…” Im lặng. Không biết ông Trung úy Tùng có nghe hay không….

Hôm sau, 28/4/1975 trực thăng của ông chở tôi về Sài Gòn, đáp xuống sân cờ BTTM. Khi đó hình như Đại tướng Dương văn Minh đang được bàn giao vai trò lãnh đạo… lịch sử về sự sụp đổ miền Nam.

Chỉ mấy ngày sau ngày 30/4/1975, tôi nghe tin Tướng Lê văn Hưng đã tuẫn tiết. Hình như không phải bằng cây tiểu liên Tiệp khắc…. Nhưng bằng súng gì hay bằng cách nào thì cũng đã thành Thần.

VĂN NGUYÊN DƯỠNG .
Hạ Uy Di, ngày 20/4/2012.

An Lộc hình ảnh trận chiến

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 (Kỳ 1)

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 2

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 3

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 4

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 5

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 6

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 6 (Tiếp theo)

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 7

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 8

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 9

TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG VÀ NHỮNG SỰ THỰC Ở CHIẾN TRƯỜNG AN LỘC TRONG MÙA HÈ 1972 – kỳ 10

 

Chuyên mục:CSVN, HỒI KÝ, Lịch sử, VNCH Thẻ:,
  1. chuong truong
    04.08.2013 lúc 2:01 sáng

    Duoc doc 11 bai nay cua anh Duong toi phai ngoi dung nguyen 1 ngay vi no qua thu hut toi anh viet ve tuong Le Van Hung,va Ten Mach Van Truong that la dung. Nhung anh da viet 2phan ma tuong Hung bi tru eo ,day la phan thu 3 toi viet tiep theo anh: Khi mac tran An Loc giai toa xong cac chien si danh du duoc chon di Dai Loan , thi Nguyen Van Thieu noi voi tuong Le Van Hung la khiu di Dai Loan ve Thieu se cho Tuong HUNG 10 trieu dong tien VN, co Nguyen Van Minh tai do va nghe ro ( nhung khong biet gi ly do gi Thieu khong cho ) MINH tuc gian Hung vi duoc 10 trieu ma khong chia cho MINH,nen Minh dam ra thu oan HUNG ( cai phan nay thi hoi Ten Mach Van Truong chac han biet rat ro.vi the ma Minh Da tru tuong Hung khong ngoc len duoc. Chi co tuong Nguyen Khoa Nam la hieu tuong Hung vi ho la nhung nguoi liem khiet va tai gioi nen ho tin nhau va lam viec voi nhau.mien tay co 5 tuong ma 2 tuong da la tuong si tuong trong ban co tuong roi la Huynh Van Lac SD9BB va ten tuong danh tran gia Mach Van Truong SD21BB.(vi toi la nguoi da lay vu khi tu phong 4 SD do truc thang cho len dung trong bao bo va phai coi tui lao cong dao binh chui sinh lam nhu moi lay duoc tai phi truong Rach Soi vung trach nhiem cua thieu ta HIEU (Hieu que re Dan bieu Lam Hoang Hon) ngay hom sau cho ra nha Van Hoa Nguyen Trung Truc de ma trien lam .cho la tich thu duoc .ai o bo tu lenh SD 21 BB thi deu biet chuyen nay.nhu:trung ta THUONG P2, thieu ta CHANH P4,,dai ta Ngo Van Dieu(da chet tai MY).Con lai 3 ong tuong liem khiet va yeu nuoc la Thieu tuong Nguyen Khoa Nam,chuan tuong Tran Van Hai, chuan tuong Le van Hung ,ho la nhung vi tuong vi TO QUOC cho nen ho thuong nhau. dung la cau ma co nha thuong noi ( cung lo thi thuong nau, cung huong thi ghet nhan ). xin thoi vi da den gio phai di lam Nguoi linh nam cu cua SD21BB va tu dinh tu lenh pho QDIVQKIV Tuong LE VAN HUNG

  2. chuong truong
    04.08.2013 lúc 2:48 chiều

    Tai sau ma tuong Minh muon dui vao tay Thieu huy chuong de gan cho ten tuong danh tran gia o Kien Giang la ten Mach Van Truong ? la vi ten Nguyen Van Minh lay chi cua Ten Mach Van Truong lam be Tuc la vo be >ten Mach van Truong la ten toi , ten luu manh .Toi rat tui nhuc vi no ten MAch Van Truong , lam tu lenh su doan 21 bb ma toi tung su. hien ten tuong danh tran gia nay dang o My. Nguoi linh cua SUDOAN21 BB va BO TU LENH QDIVQKIV. toi da viet 40 trang ve ten hen tuong Mach Van Truong va toi co cho tuong Ly Tong Ba, thieu ta Quoc ( chi huy truong nguoi nhai xem qua) khi nao ma toi thay ten Hen tuong Mach Van Truong ra quyen hoi ky la ngay do toi se cho dang bao de cho moi nguoi biet.

  3. chuong truong
    05.08.2013 lúc 1:09 sáng

    Anh DUONG 11 bai viet cua anh hay qua bay gio toi da nho ra anh roi, phai chi luc truoc toi con lam viec o Hawaii ma toi biet anh co y viet ve tuong Le Van Hung va ten Mach Van Truong thi toi se cho anh mot so tu lieu chinh xac ve Ten Truong, toi nho toi co gap anh nhieu lan tai nha cua nha tho Phuong Tu Anh ( tuc la ba Sau Lan di ruot cua Tuong Mguyen Khanh ) neu nhu anh co doc phan hoi nay thi anh goi cho toi > Chuong Truong 702-325-4853 , Hien nay toi dang o Las Vegas.toi cho phone cua anh. Chuong .

  4. 09.10.2013 lúc 1:02 chiều

    mien nam sup do do My cat vien tro nhung khong den noi chi co 55 ngay ke tu khi mat Phuoc -Long chi vi khong biet dung nguoi gioi va do chia re cung nhu thang cap nho duoc su thuong yeu chu khong phai co tai dieu binh . Mot quan doi co nhung chien binh dung manh tinh nhue nhu vay ma dau hang thu hoi sau khong dau don nhuc nha . Du tiep lieu dan duoc chi du danh trong mot ngay cung khong dau hang trong khi QD 4 van con nguyen ven va chien xa T-54 cung voi PT-76 kho xuong vung sinh lay mien tay von rat an toan cho phong thu va tro ngai cho tan cong . Du co thua cung cho den vien dan cuoi cung .

    • chuong truong
      11.10.2013 lúc 5:21 chiều

      Thua anh Tho, cam on su phan hoi cua anh,va su nhan dinh kha dung cua anh .Anh co biet khong khi ong Duong van Minh doc lenh dau hang xong thi tai mien tay nhung nguoi LINH ho mung ro vi se khong con ra tran mac de chet,va duoc ve gan gui voi gia dinh vo con.Noi chung la ho khong con tinh than ma chien dau nua, va chien dau cho ai day ? anh co biet khong ,nam 1972 khi tui MY no muon Viet Nam hoa chien tranh tai Viet Nam de ma rut di . Anh co biet la Quan Doi Viet Nam Cong Hoa ,khong con duoc trang bi nhu luc truoc. Tui My no cat vien tro qua nhieu, khong co xang de ma chay quan xa(xe nha binh nam u rat nhieu, khong du sung dan de ma danh lai voi bon Cong San Ha Noi, ban 4 trai dai bac 105 ly thi phai xin phep,Noi chung la tui MY no cat vien tro gan nhu 100%. De cho mien Nam sup do nhu nhung su giao uoc cua tui My va tui cong san Bac Viet.Anh noi rat dung la phai danh toi vien dan cuoi cung do la trach nhiem nhung nguoi linh nhu chung toi. Nhung anh co biet la khi quyet dinh danh toi cung thi , thu nhat la khong du sung dan, quan nhu, quan cu.va neu nhu danh thi Cong San no se phao kich va nhung nguoi dan vo toi phai bi chet rat nhieu. Dieu do Tuong Nam, Tuong Hung tai Quan Doan 4 da nhan dinh roi, khong phai ho hen nhat, va nhung nguoi binh si hen nhat, neu nhu ma hen nhat thi ho se khong tu tu de ma bo lai vo con va gia dinh lai .anh noi la dau co thua cung phai danh toi cung toi nghe rat la khi khai, nhung ngay 30/4/1975 . Anh o dau va neu anh la linh cua chinh quyen Soi Gon anh co muon danh toi vien dan cuoi cung hay khong? hay la chi noi. Toi biet anh la LINH vi anh biet chien xa T54,PT76 Neu chung ta danh lai thi COng San no se dem thiet van xa PT 76 danh chung ta, vi trong cuoc hanh quan danh cuc R tai Cam Bot ,Da bat duoc mot chiet PT 76 tai day.va co dem ve Can Tho trien lam. xin chao vi phai di lam. Chuong Truong nguoi linh cu cua SD21 BB.

  5. Vân
    10.11.2013 lúc 4:18 sáng

    Đọc bài viết của anh tôi ngậm ngùi , thương ti61c các vị Tướng VNCH , các ông xứng đáng được lịch sử ghi công , Các ông không chết các ông sống mãi trong lòng dân tộc VN ,

  6. mi
    11.12.2013 lúc 5:36 chiều

    Trong cuộc hành quân An Lộc. Ba tôi là binh sĩ thuộc quân đoàn 3, sư đoàn 5 bộ binh, trung đoàn 8, tiểu đoàn 2/8 bộ binh đã chết nhưng không tìm được xác ( tên Nguyễn Văn Chử, số quân : 57/190.278) Do thiếu tá Nguyễn Chí Hiền và trung sĩ 1 Đỗ Trí Thụy chỉ huy hậu cứ . Ký tường trình ủy khúc. Có bác nào biết thông tin và nơi chôn cất ba tôi xin gửi phản hồi. Xin cảm ơn rất nhiều .

  7. nguyễn bá hoàng
    15.03.2014 lúc 11:11 sáng

    CHIẾN TRANH HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN CỦA VIỆT NAM THEO TÔI LÀ MỘT LỖI BUỒN VÀ NỖI ĐAU CHO CẢ 2 PHÍA (THEO QUAN ĐIỂM CHÍNH TRI). NHƯNG XÉT CHO CÙNG ĐỀU LÀ ĐỒNG BÀO TA CẢ. TẠI SAO TÔI KHÔNG HIỂU MỌI NGƯỜI CỨ PHẢI KỂ LỂ NHỮNG CHIẾN TÍCH ĐỂ LÀM GÌ XÉT CHO CÙNG TRONG MỘT TRẬN CHIẾN CÓ LÚC BÊN NÀY THẮNG BÊN KIA THUA VÀ NGƯỢC LẠI. NHƯNG CHỐT LẠI BÊN NÀO CÓ THẮNG LỢI CUỐI CÙNG TRONG TRÂN CHIẾN CUỐI CÙNG LÀ NGƯỜI ĐÓ CHIẾN THẮNG. XIN CÁC BÁC CÁC CHÚ HÃY KHÉP LẠI QUÁ KHỨ ĐI. DÀNH THỜI GIAN MA KIẾM TIỀN KHỔ LẮM NÓI MÃI ??????

  8. Pham văn Tien
    23.04.2014 lúc 11:48 chiều

    Kính chaò anh Dưỡng ,
    Rất hân hạnh được đọc tài liệu của anh viết về Tướng Hưng và trận An Lộc , 1 tài liệu rất qúy gía cho những người nghiên cứu lịch sử và quân sử . Qua 11 bài tôi hiểu rõ hơn về Tướng Hưng , Tướng Minh ,MVT , cố vấn Mỹ , và những chuyện uống cà fe không đường , xát muối , của các xếp . Ngoài 80 , anh còn nhớ và viết được như vậy rất đáng qúy .
    ===Tôi xin nói tên Tiểu đoàn Trưởng 3/9 là Đại Úy Đặng văn Sơn [ k.20 VBDL]

    ===Tướng Vỹ về nhậm chức Tư Lệnh SĐ5BB khoảng 8,9 /1973 .

    ===Các điều hiểu biết của anh về địch trong trận An Lộc rất chính xác theo sự hiểu biết của tôi , chỉ có các xếp không biết căn cứ vào các tin tình báo qúy gía để điều quân , nên Trung đoàn 9 tan hàng sớm ..

    ===Thiếu Uý Đỗ hoà Định , TĐ1/9 đi hành quân ngoài đồn Bố Đức đã báo cáo về TĐ lực lượng VC rất đông , trung đoàn trở lên ,đi giữa ban ngày ,trên không tin , Thiếu Tá Thứ , cho Trung Úy Nguyễn văn Duyến , k 1 CTCT đi kiểm soát lại tin trên thì thấy rằng , không phải cấp trung đoàn , mà phải là Sư Đoàn mới chính xác .

    ===Trước khi trận An Lộc xẩy ra , Tướng Hưng có đến thăm đồn Bố Đức , về khả năng chiến xa của VC , Tướng Hưng không tin tưởng lắm .

    ===Sau khi Lôc Ninh thất thủ , Đại Tá Vĩnh bị bắt làm tù binh , TĐ 1/9 được phi cơ Mỹ chở qua phòng thủ tỉnh Phước Long , Thiếu Tá Mỹ điều động cuộc di tản này , có 1 kết cục buồn đã hy sinh vì pháo của VC vào giờ chót .

    Đó là tất cả hiểu biết của tôi , 1 đđt của TĐ 1/9 từ 2/68 đến 30-4-75 , và bị bắt làm tù binh ngoài căn cứ Lai Khề vài giờ sau khi Tướng Minh Cồ đầu hàng .

    Chúc anh vui , khỏe ở tuổi về chiều .

    Phạm văn Tiến
    TĐ1/9/SĐ 5 BB
    Tel; 206-588-0975 cell ; 206-306-3054

    Email ; PHAM 20033@ HOTMAIL.COM
    P.S.

  9. chuong truong
    24.04.2014 lúc 9:57 sáng

    Chao anhTien , toi Chuong Truong,toi rat thich bai cua anh , Anh Duong cap buc Trung Ta truoc o SD5BB toi co gap anh nhieu lan tai honolulu, Hawaii nha ba Phuong Tu Anh di Thu Sau cua Tuong Nguyen Khanh, nhung toi khong biet la anh Duong viet Ve tuong Le Van Hung, Toi O voi Tuong Hung Tai SD21BB va sau do ve Voi Tuong Hung lan nua tai Tu Dinh Tu Lenh Pho QDIV&QKIV.Toi xin goi anh thu moi Le gio Tuong Le Van Hung hang nam.

  1. 17.09.2014 lúc 8:46 chiều

Bình luận về bài viết này